Tình trạng bất ổn ở Iran bắt đầu vào tháng 9 vừa qua khi một phụ nữ 22 tuổi, Mahsa Amini, chết sau khi bị cảnh sát giam giữ. Kể từ đó, các cuộc biểu tình phản đối Chính phủ đã lan rộng trên toàn quốc, bất chấp sự đàn áp của lực lượng an ninh. Hàng trăm người được cho đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ.
Quyết định không hát quốc ca trong trận đối đầu với Anh không phải là lần đầu tiên đội tuyển Iran thể hiện sự ủng hộ đối với những người biểu tình. Vào cuối tháng 9, đội đã chọn mặc áo khoác đen để che đi màu cờ sắc áo của đất nước trong trận giao hữu với Senegal. Các đội bóng đá bãi biển, bóng nước và bóng rổ của Iran gần đây cũng đã từ chối hát quốc ca.
Trước trận đấu mở màn bảng B hôm 21/11, một số cổ động viên Iran ở Qatar cũng ra dấu hiệu ủng hộ những người biểu tình ở quê nhà. Họ mặc áo phông có dòng chữ "Phụ nữ, sống, tự do" - khẩu hiệu phổ biến của phong trào nổi lên sau cái chết của Amini.
Quyết định giữ im lặng của các cầu thủ Iran trong suốt thời gian phát quốc ca trên sân khấu lớn nhất của làng túc cầu thể hiện bước đi táo bạo nhất từ trước đến nay của các ngôi sao thể thao của đất nước. Nhưng không rõ liệu đội tuyển này có phải đối mặt với án phạt nào hay không.
Đội tuyển Anh cũng đã thực hiện một cử chỉ chính trị mạnh mẽ trước khi trận đấu hôm 21/11 bắt đầu bằng cách quỳ gối để phản đối sự phân biệt chủng tộc và bất bình đẳng. Mặc dù họ không quỳ gối trong các trận giao hữu vào tháng 9, nhưng Anh đã quyết định làm như vậy trước mọi trận đấu mà họ sẽ chơi tại World Cup 2022.
Huấn luyện viên đội tuyển Anh Gareth Southgate cho biết: "Chúng tôi nghĩ rằng đó là một thông điệp mạnh mẽ từ khắp thế giới, đặc biệt là cho những người trẻ tuổi, để thấy rằng sự đa dạng là rất quan trọng".