Kinhtedothi - Sự việc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) được các ngân hàng chủ nợ thống nhất đề xuất với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Chính phủ cho cơ cấu lại nợ không phải là hy hữu và trên thế giới đã có nhiều ví dụ về vấn đề này, dễ thấy nhất là các tập đoàn lớn của Mỹ. Song một lần nữa bài học về phát triển bền vững và cần chú trọng gia tăng nguồn thu về dịch vụ lại trở nên đắt giá với các ngân hàng. 8 ngân hàng dư nợ lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng Theo Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất 2015 của HAG, có khoảng 8 ngân hàng hiện là chủ nợ của Tập đoàn và các công ty có liên quan, trong đó chủ nợ lớn nhất là BIDV, với số dư nợ gốc gần 10.665 tỷ đồng, chiếm 50%, tiếp theo là những cái tên như Eximbank 3.955,6 tỷ đồng, VPBank, HDBank, Lào Việt, Sacombank có dư nợ lần lượt là 2.800 tỷ đồng, 2.237 tỷ đồng, 2.250 tỷ đồng và 1.208 tỷ đồng…
Song không phải đến giờ câu chuyện mới ồn ào mà khả năng thiếu hụt thanh khoản của HAG và các công ty trong nhóm đã được dự báo từ cách đây 1 năm trong giới phân tích chứng khoán. Gần nhất, quan ngại về áp lực trả nợ của HAGL, trong đó có gần 4.700 tỷ đồng nợ ngắn hạn đến thanh toán năm 2016 đã được kiểm toán Ernst & Young nhận xét, "có sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của HAGL" trong BCTC hợp nhất kiểm toán 2015. Điều lo ngại nằm ở chính năng lực dòng tiền và chất lượng hoạt động của HAG, hai yếu tố quan trọng hàng đầu với các chủ nợ. Cụ thể, BCTC đã nêu rõ HAGL đã vi phạm nhiều điều khoản của các khoản vay. Thuyết minh báo cáo tài chính của HAGL cho thấy, đến cuối 2015, HAGL còn có 1.373,8 tỷ đồng vay dài hạn trái phiếu trong nước đến hạn trả. Tuy nhiên, hiện tổng giá trị tài sản đảm bảo cho nhiều lô trái phiếu lại không đáp ứng điều khoản ràng buộc trong hợp đồng cầm cố tài sản. Chẳng hạn, ngày 28/11/2014, HAGL đã phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu do VPBS (Công ty chứng khoán ngân hàng VP Bank) thu xếp phát hành. Trái phiếu phải hoàn trả sau 3 năm. Tuy nhiên, vào ngày 31/12/2015, 4,7 triệu cổ phiếu HAGL do Chủ tịch HĐQT tập đoàn là ông Đoàn Nguyên Đức nắm giữ và 110,63 triệu cổ phiếu HNG do HAGL nắm giữ có giá trị thị trường lần lượt là 10.400 đồng/CP và 28.800 đồng/CP. Thời điểm lập báo cáo tài chính tổng hợp, tổng giá trị tài sản đảm bảo không bằng tối thiểu 145% tổng mệnh giá trái phiếu theo quy định trong hợp đồng đặt mua trái phiếu. Tương tự với khoản 1.000 tỷ đồng này, khoản vay 1.700 tỷ đồng của công ty con Nông nghiệp Quốc tế HAGL bằng trái phiếu tại 3 ngân hàng là PVCombank (300 tỷ đồng), Tiên Phong Bank (200 tỷ đồng) và VPBank (1.200 tỷ đồng) được thế chấp bằng cổ phiếu HNG của HAGL cũng vi phạm quy định tỷ lệ giá trị tài sản đảm bảo trên tổng giá trị mệnh giá trái phiếu tối thiểu 200%. Để bảo đảm cho các khoản vay bằng trái phiếu, HAGL cũng đã thế chấp hàng loạt quyền thuê đất và tài sản gắn liền trên đất tại Lào, Campuchia, các tài sản tại Việt Nam như hàng nghìn ha cao su, học viện bóng đá... Cân nhắc việc xử lý Trong trường hợp không được cơ cấu lại nợ, các khoản vay đến hạn của HAG và các công ty liên quan sẽ chuyển thành nợ xấu. Nếu tiếp tục vi phạm, ngân hàng có thể xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi vốn. Vấn đề đặt ra là, với quy mô quá lớn của cả tập đoàn HAG, việc xử lý tài sản đảm bảo rất dễ dẫn tới khủng hoảng dây chuyền trên thị trường và càng kéo theo sự mất giá của các tài sản đó. Trường hợp bán giải chấp cổ phiếu HNG, công ty con của HAG vừa qua là ví dụ. Trong quý I/2016, Ngân hàng Bản Việt và Ngân hàng ACB đã lần lượt bán giải chấp gần 2,626 triệu cổ phiếu HNG và hơn 20 triệu cổ phiếu HNG để xử lý nợ. Giá cổ phiếu HNG trước đó đã giảm mạnh, sau đó càng không có cơ hội phục hồi và rớt một mạch xuống mức thấp nhất quanh 7.000 đồng/cổ phiếu. Dù chưa bị bán giải chấp nhưng những thông tin về HAG xuất hiện trên thị trường cũng khiến cổ phiếu này không thể gượng dậy và rớt thảm về cùng mức giá trên. Điều gì sẽ xảy ra nếu toàn bộ cổ phiếu của HAGL và bầu Đức hiện đang được sử dụng để cầm cố trong các hợp đồng tín dụng bị bán tháo để thu hồi nợ? Câu trả lời rất dễ hình dung với những trường hợp cổ phiếu rớt xuống thị giá 1.000-2.000 đồng/CP và không nhà đầu tư nào dám đánh bạc với đồng vốn của mình khiến bên mua thường trắng bảng trong khi dư bán chất đống giá sàn. Bởi vậy, thiện chí của các ngân hàng chủ nợ là có thể hiểu được, mở cho HAG con đường sống cũng là giúp chính các ngân hàng. Thông lệ này đã được thực hiện nhiều trên thế giới. Đơn cử như các cơn địa chấn trên thị trường tài chính Mỹ trước đây. Chính phủ Mỹ thậm chí còn bơm tiền giải cứu các tập đoàn lớn như General Motor, bảo lãnh cho lượng nợ xấu địa ốc và các tài sản kém chất lượng khác với tổng trị giá 306 tỷ USD của Ngân hàng Citigroup… Khi các tổ chức này hoạt động tốt lên, giá cổ phiếu hồi phục trở lại, chính phủ Mỹ đã bán ra cổ phiếu thu tiền về. Nhưng câu chuyện lớn hơn ẩn sau các cuộc giải cứu này, theo các chuyên gia IMF, là bài học để nhìn lại các quy định cho vay tại Mỹ, đặc biệt là những quy định cho vay dưới chuẩn rộ lên một thời. Với Việt Nam, đây có lẽ tiếp tục là bài học đắt giá với các ngân hàng khi bóng ma nợ xấu còn chưa được xử lý dứt. Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa, từng nhận xét rằng, trật tự trên thị trường tín dụng đã phần nào được lập lại sau đợt suy thoái hồi những năm 2011-2012 nhưng chưa thực sự tạo ra những bước tiến đáng kể. Chừng nào các ngân hàng còn chưa thể chấm điểm tín dụng khách hàng một cách công tâm và được thực hiện thống nhất trên toàn hệ thống, hệ lụy của các khoản tín dụng dễ dãi còn có khả năng xảy ra. Ông Nghĩa kể lại một ví dụ rằng, bản thân ông đã tham gia vào một cuộc xếp hạng tín dụng khách hàng của ngân hàng công thương Việt Nam (nay là Vietinbank) nhưng khi khách hàng bị điểm thấp, phải vay vốn với các điều khoản hà khắc hơn, đã ngay lập tức chạy sang ngân hàng. Ngân hàng Công thương mất khách, sau vài lần như vậy, đành ngậm ngùi xếp xó kế hoạch xếp hạng khách hàng.
Ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức). |