Vì sao các nước tiêu thụ dầu hàng đầu gây sức ép để OPEC+ sớm hành động?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và một số quốc gia tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu thế giới đang gia tăng sức ép để Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng các đồng minh (OPEC+) nâng sản lượng.

Hối thúc OPEC+ giải quyết tình trạng thiếu cung trầm trọng
Tờ Bloomberg ngày 31/10 đưa tin Mỹ cùng các nước tiêu thụ năng lượng lớn khác đang thực hiện nỗ lực ngoại giao mạnh mẽ nhất trong nhiều năm trở lại đây để thuyết phục nhóm OPEC+ tăng thêm nguồn cung dầu mỏ cho thị trường. Liên minh OPEC+ hiện chiếm gần 2/3 sản lượng khai thác dầu toàn cầu.
Theo Bloomberg cho rằng quan ngại của Mỹ, Ấn Độ cũng như Nhật Bản liên quan đến tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi giữa tháng 10 vừa qua về khả năng giá dầu tăng lên mức 100 USD/thùng, trong bối cảnh giá “vàng đen” tăng mạnh trong năm nay.
 Liên minh OPEC+ hiện chiếm gần 2/3 sản lượng khai thác dầu toàn cầu.
Trong vòng 1 năm trở lại đây, các nước tiêu thụ nhiên liệu hàng đầu thế giới ngày càng lo ngại về đà tăng liên tục của giá dầu, từ 50 USD/thùng, rồi đến 75 USD/thùng và hiện nhảy vọt lên hơn 85 USD/thùng.
Lãnh đạo các nước tiêu thụ nhiều dầu mỏ cho rằng giá nhiên liệu tăng “nóng” trong thời gian gần đây chủ yếu là do thiếu nguồn cung trong khi nhu cầu tăng cao. Giới thạo tin tiết lộ với Bloomberg rằng, một chiến dịch căng thẳng đang được triển khai nhằm thuyết phục OPEC+ đẩy nhanh việc nâng sản lượng.
Theo kế hoạch, liên minh này sẽ có cuộc họp bàn trực tuyến về chính sách sản lượng vào ngày 4/11. Trước đó, hôm 4/10 vừa qua, các nước OPEC+ đã nhất trí duy trì mức tăng sản lượng dầu thô 400.000 thùng/ngày đến tháng 11 như đã thỏa thuận trước đó, bất chấp nhu cầu tiêu thụ và giá dầu tăng mạnh đe dọa đà phục hồi kinh tế thế giới sau những tác động của đại dịch Covid-19.
Những nỗ lực kín đáo nói trên diễn ra song song cùng với những lời kêu gọi công khai trong thời gian gần đây. Tại Mỹ - quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, chính quyền Tổng thống Joe Biden lo ngại khi giá xăng tăng lên mức cao nhất 7 năm và nhiều lần hối thúc OPEC+ bơm thêm dầu trong những tuần gần đây.
Nhật Bản, nước tiêu thụ dầu lớn thứ tư thế giới, đã có một động thái rất hiếm có của quốc gia này khi lên tiếng kêu gọi OPEC+ nâng sản lượng hồi cuối tháng 10. Chính quyền Tokyo chưa đưa ra một lời kêu gọi tương tự với OPEC+ kể từ năm 2008 đến nay.
Ấn Độ, nước tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới, cũng đã đề nghị OPEC+ tăng mạnh sản lượng dầu mỏ.
Giới chức Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ cũng có những cuộc thảo luận kín và bắt đầu tiếp cận với các nước tiêu thụ và sản xuất dầu lớn khác nhằm đẩy mạnh “chiến dịch”.
Bên cạnh đó, Tokyo hiện đang đề nghị các nước sản xuất dầu ở Trung Đông tăng sản lượng, theo ông Tsutomo Sugimori - Chủ tịch Hiệp hội Dầu khí Nhật Bản (PAJ). “Ngành dầu khí Nhật Bản hy vọng rằng các nước sản xuất dầu, bao gồm OPEC, sẽ có những bước đi phù hợp để không làm cản trở đến đà phục ồi toàn diện của kinh tế toàn cầu” ông Tsutomo Sugimori nói với Bloomberg.
OPEC+ sẵn sàng chịu rủi ro khi giá dầu tăng cao
OPEC+ sẵn sàng chấp nhận rủi ro giá tăng cao hơn và ảnh hưởng đến nhu cầu thay vì tăng thêm nguồn cung để hạn chế đà leo dốc của giá dầu, nhà báo John Kemp của Reuters cho hay.
 Giá dầu Brent hiện đã leo dốc khoảng 63% kể từ đầu năm đến nay. Ảnh: AP
Theo tác giả Kemp, OPEC+ cũng giống như các công ty khai thác dầu đá phiến của Mỹ, có xu hướng đặt nặng rủi ro giảm giá hơn là rủi ro tăng giá.
Cho đến thời điểm hiện tại, Ả Rập Saudi và các nước thành viên OPEC+ vẫn từ chối tăng sản lượng nhanh hơn, cho rằng mức tăng 400.000 thùng/tháng là đủ để đáp ứng nhu cầu dầu của nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa phục hồi hoàn toàn từ đại dịch.
Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Saudi Abdulaziz bin Salman trong tuần trước nói rằng OPEC + không vội tăng sản lượng để đáp lại lời kêu gọi của các quốc gia tiêu thụ nhiều dầu.  “Nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa vượt qua được hết các thách thức”, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi, hoàng tử Abdulaziz bin Salman, nói với Bloomberg trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây. “Chúng tôi cần phải cẩn trọng. Cuộc khủng hoảng đã được kiểm soát nhưng chưa thực sự kết thúc”.
Được biết, Bộ trưởng Dầu mỏ Nigeria Timipre Sylva cũng cùng chung quan điểm với người đồng cấp Ả Rập Saudi khi nói rằng OPEC+ không nên vội vàng quyết định bất kỳ đợt tăng sản lượng nào vì nhu cầu vẫn bị đe dọa bởi sự bùng phát của dịch Covid-19.
Trong một cuộc phỏng vấn tại Riyad, Bộ trưởng Sylva khẳng định: "Chúng tôi phải xem xét tình hình một cách kỹ lưỡng trước khi hành động. Thị trường vẫn còn rất mong manh và cần hết sức thận trọng trước khi thực hiện các động thái tiếp theo".
Ông Sylva lưu ý thêm: "Chúng tôi đã chứng kiến đà tăng trưởng kinh tế chậm lại của Trung Quốc. Nhiều người đang kêu gọi bơm thêm dầu, song chúng tôi sẽ đánh giá kỹ lưỡng các vấn đề ở một số nền kinh tế lớn”.
Trong khi đó, các công ty khai thác dầu đá phiến tại Mỹ vẫn tập trung vào việc giữ cho các cổ đông hài lòng trong khi giá đủ cao để khiến việc khai thác dầu đá phiến có lãi. Trong khi những công ty nhỏ hơn đang đẩy mạnh  khai thác, "những con cá lớn trong ao đá phiến" vẫn đang kiềm chế và tuân thủ kỷ luật vốn./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần