Vì sao chi tiêu quân sự toàn cầu tăng kỷ lục trong năm 2022?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) chỉ ra rằng, cuộc xung đột ở Ukraine đã làm mức chi tiêu quân sự ở châu Âu tăng cao nhất trong 3 thập kỷ.

Bệ phóng tên lửa Iskander-E của Nga tham gia Triển lãm  Kỹ thuật và Quân sự Quốc tế 2022 ở Alabino, Nga ngày 17/8/2022. Ảnh: Reuters
Bệ phóng tên lửa Iskander-E của Nga tham gia Triển lãm  Kỹ thuật và Quân sự Quốc tế 2022 ở Alabino, Nga ngày 17/8/2022. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) có trụ sở Thụy Điển, hôm nay 24/4 cho hay chi tiêu quân sự thế giới trong năm 2022 đã tăng 3,7%, theo giá trị thực tế, lên 2.240 tỷ USD.

Trong báo cáo vừa được công bố, IPRI đánh giá chi tiêu quân sự toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục trong năm 2022, do cuộc xung đột Nga-Ukraine đã thúc đẩy mức tăng chi tiêu hằng năm lớn nhất ở châu Âu kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc.

Cuối tháng 2/2022, Nga đã tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine sau nhiều năm căng thẳng gia tăng, khiến các nước châu Âu gấp rút tăng cường phòng thủ.

Chi tiêu quân sự của châu Âu đã tăng 13% vào năm ngoái, chủ yếu là do cuộc chiến Nga và Ukraine.

Bên cạnh đó, nhiều quốc gia châu Âu cũng tăng cường ngân sách quân sự trong những năm gần đây do lo ngại căng thẳng gia tăng, đặc biệt kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.

Theo SIPRI, việc đẩy mạnh chi tiêu ngân sách quân sự đang diễn ra tại các nước láng giềng của Nga, trong đó ngân sách dành cho quốc phòng của Phần Lan tăng tới 36%, còn chi tiêu quân sự của Litva cũng tăng 27%.

Theo Diego Lopes da Silva, nhà nghiên cứu cấp cao của SIPRI, sự gia tăng về chi tiêu quân sự nêu trên bao gồm các kế hoạch kéo dài nhiều năm nhằm tăng chi tiêu của một số chính phủ và “kết quả là, chúng ta có thể kỳ vọng một cách hợp lý rằng chi tiêu quân sự ở Trung và Tây Âu sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới”.

Báo cáo của SIPRI cho thấy chi tiêu quân sự của Ukraine đã tăng 640% trong năm 2022, mức tăng hằng năm lớn nhất kể từ năm 1949. Con số này không bao gồm số lượng lớn viện trợ quân sự tài chính do phương Tây cung cấp cho Ukraine.

Chi tiêu quân sự của Ukraine đã tăng 640% trong năm 2022. Ảnh: AP
Chi tiêu quân sự của Ukraine đã tăng 640% trong năm 2022. Ảnh: AP

Dù Mỹ là quốc gia chi tiêu hàng đầu thế giới nhưng tổng chi tiêu của nước này trong năm 2022 chỉ tăng 0,7% so với năm 2021, đạt mức 877 tỷ USD. 

SIPRI ước tính, viện trợ quân sự của Mỹ dành cho Ukraine chiếm 2,3% tổng chi tiêu quân sự của Mỹ trong năm ngoái.

Trung Quốc là nước chi tiêu quân sự lớn thứ hai thế giới, với khoảng 292 tỷ USD trong năm 2022, tăng hơn 4,2% so với năm 2021.

Trong năm ngoái, Nhật Bản đã chi 46 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng, tăng 5,9% so với năm trước đó và ghi nhận mức chi phí quân sự lớn nhất kể từ năm 1960.

Trong khi đó, chi tiêu quân sự của Nga ước tính tăng 9,2%, nhưng theo SIPRI, số liệu này "rất không chắc chắn”.

"Sự khác biệt giữa kế hoạch ngân sách của Nga và chi tiêu quân sự thực tế của nước này trong năm 2022 cho thấy chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đã gây tổn thất cho Moscow nhiều hơn so với dự tính" - Giám đốc Chương trình chi tiêu quân sự và sản xuất vũ khí của SIPRI Lucie Beraud-Sudreau bình luận.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần