Vì sao chưa xử lý dứt điểm?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo Kinh tế & Đô thị có bài: “Tại xã Kim Lan, huyện Gia Lâm: Xưởng giặt là “mọc” trên đất nông nghiệp” phản ánh về tình trạng đất nông nghiệp bị sử dụng sai mục đích tại dự án hồ Thái Ninh.

Trong đó có đề cập đến một trong những nguyên nhân khiến tình trạng vi phạm trong sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích vẫn chưa được giải quyết dứt điểm là do các bên liên quan chưa thống nhất được cách xử lý.
Đất nông nghiệp được sử dụng làm xưởng giặt là. 	Ảnh: Lan Hương
Đất nông nghiệp được sử dụng làm xưởng giặt là. Ảnh: Lan Hương
Ông Nguyễn Đức Trí - Phó Chủ tịch UBND xã Kim Lan cho biết, mặc dù UBND xã đã ra quyết định xử phạt về vi phạm trong quản lý đất đai nhưng mức này quá thấp, không đủ sức răn đe chủ đầu tư. Trong khi đó, vào đầu năm 2015, khi UBND xã kiến nghị đến Công ty Điện lực Gia Lâm yêu cầu cắt điện cấp cho xưởng, xưởng đã bị cắt điện và phải ngừng hoạt động trong vòng hơn một tháng, nhưng đến cuối tháng 2, điện đã được cấp trở lại...

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Sỹ - Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty Điện lực Gia Lâm cho biết, chủ đầu tư dự án hồ Thái Ninh là ông Nguyễn Văn Tuấn, trú tại thôn 1, xã Kim Lan đã 2 lần ký hợp đồng mua bán điện với Công ty vào năm 2009 và 2012. Cả 2 lần này, chủ đầu tư đều thực hiện đầy đủ các thủ tục: Có xác nhận của xã về việc hiện đang sản xuất, kinh doanh tại địa điểm yêu cầu cung cấp điện, dự án đã được UBND huyện phê duyệt, hợp đồng thuê đất còn thời hạn... “Khách hàng có giấy tờ đầy đủ thì chúng tôi phải cấp điện” – ông Sỹ nói.

Thực tế, dự án hồ Thái Ninh được phê duyệt là xây dựng nhà xưởng để phục vụ làm lò giết mổ và khu nuôi nhốt gia súc. Nhưng sau khi xây dựng nhà xưởng và được cấp điện xong xuôi, chủ đầu tư mới quay sang cho thuê làm xưởng giặt là. Chính vì thế, các cơ quan chức năng cũng bị lâm vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Đến năm 2014, phía chủ đầu tư làm thủ tục xin nâng công suất điện và ký lại hợp đồng thì có ghi trong phần mục đích sử dụng là xưởng giặt là. Tuy nhiên, ông Sỹ cho hay, nguyên tắc là khi đổi hợp đồng thì không cần xã xác nhận nữa, mà trong hợp đồng chỉ quy định khi thay đổi mục đích sử dụng điện chỉ cần có công văn gửi cho Điện lực để áp lại giá bán điện, còn việc sử dụng thế nào, trên đất sai mục đích sử dụng hay không thì Điện lực không có đủ thẩm quyền kiểm tra, quản lý. Trên thực tế, khi có kiến nghị từ xã yêu cầu cắt điện, Công ty Điện lực Gia Lâm đã thực hiện cắt điện 2 lần vào ngày 12/11/2014 và 11/2/2015, có thông báo và biên bản cắt điện.

Lý giải về lý do cung cấp điện trở lại, ông Đào Xuân Tuyến - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Gia Lâm cho biết, theo các quy định của Luật Xây dựng, thì Điện lực chỉ có cơ chế cắt điện khi chủ đầu tư vi phạm trật tự xây dựng nhưng các nhà xưởng tại đây đều được xây dựng đúng theo phê duyệt của UBND huyện cho dự án. “Sau khi Công ty cắt điện thì phía chủ đầu tư phản ứng dữ dội vì họ cho rằng nhà xưởng không vi phạm trật tự xây dựng. Vì vậy, chúng tôi buộc phải dừng việc cắt điện” - ông Tuyến cho hay. Bên cạnh đó, dựa trên Hợp đồng mua bán điện thì khách hàng sử dụng đúng mục đích, hàng tháng đóng đủ tiền điện, có hợp đồng thuê đất thì Điện lực không thể tự ý cắt điện. “Còn về vấn đề ô nhiễm môi trường, chúng tôi hiện chưa có căn cứ xác định mức độ ô nhiễm từ cơ quan chức năng nên cũng không thể thực hiện cắt điện” - ông Tuyến giải thích.

Như vậy, các cơ quan chức năng loay hoay mà vẫn không thể xử lý dứt điểm sai phạm tại dự án hồ Thái Ninh. Thiết nghĩ, để xử lý triệt để sai phạm tại đây, các cơ quan chức năng cần có sự hợp tác, thống nhất cách giải quyết.