Vì sao công nghiệp hỗ trợ Việt Nam thất bại?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam đã từng bước góp phần nâng dần tỷ lệ nội địa...

Kinhtedothi - Ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam đã từng bước góp phần nâng dần tỷ lệ nội địa hóa trong công nghiệp lắp ráp, giảm bớt tỷ lệ linh kiện, phụ tùng phải nhập khẩu từ nước ngoài..., tuy nhiên vẫn còn rất nhiều hạn chế.

Công nghiệp hỗ trợ vắng bóng nhiều lĩnh vực

Theo bà Trương Thị Chí Bình, thành viên tổ soạn thảo Nghị định về phát triển Công nghiệp hỗ trợ (Viện Nghiên cứu Chiến lược chính sách công nghiệp - Bộ Công Thương), ở Việt Nam chỉ có khoảng 200 trong tổng số 500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế tạo, cung ứng được một phần nhỏ linh kiện, phụ tùng chủ yếu tập trung vào lĩnh vực xe máy và điện tử, trong khi nhiều ngành khác như dệt may, da giày, cơ khí, ôtô... vẫn còn để ngỏ.

“Việc thực thi quyết định 12/2011/QĐ-TTg về chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ do Thủ tướng Chính phủ ban hành còn gặp nhiều khó khăn do chưa có chính sách quy định rõ danh mục sản phẩm nào được ưu tiên phát triển. Thực tế vẫn tồn tại cơ chế “xin - cho”, do đó không phải tất cả các doanh nghiệp đều được hưởng chính sách ưu đãi”, bà Bình nêu rõ.
Công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa có sự đột phá.
Công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa có sự đột phá.
Về những hạn chế, thất bại trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ thời gian qua, bà Bình chỉ rõ 5 nguyên nhân chính: Dung lượng thị trường nội địa còn nhỏ trong khi sự chi phối của các nhà lắp ráp nước ngoài còn quá lớn đã khiến doanh nghiệp trong nước khó tham gia vào chuỗi cung ứng.

Nguyên nhân tiếp theo phải kể đến, theo bà Bình là do năng lực từ chính các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất chế tạo còn hiếm hoi, lại không đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Kế đó là do chính sách chưa ổn định hoặc chưa được cụ thể hóa khiến công nghiệp hỗ trợ vẫn loay hoay và manh mún.

Bà Bình cũng cho rằng, nguồn nhân lực để phát triển công nghiệp hỗ trợ hiện nay còn rất yếu, không tạo được hấp dẫn cho những người trẻ trong việc tìm hiểu và chọn lựa ngành nghề đào tạo. Từ những nguyên nhân này đã kéo theo sự yếu kém trong nghiên cứu ứng dụng phát triển khoa học công nghệ.

Tiềm năng đang bị bỏ ngỏ

Để đạt mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại là một thách thức không chỉ cho các nhà hoạch định chính sách mà bản thân các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.

Đại diện công ty CP ôtô Trường Hải - ông Trần Minh Dương nhận xét, các doanh nghiệp sản xuất nước ngoài đầu tư tại Việt Nam luôn có doanh nghiệp sản xuất hỗ trợ đi theo. Những doanh nghiệp hỗ trợ này thường nắm giữ những bí quyết công nghệ. Doanh nghiệp trong nước rất khó tiếp cận hợp tác cũng như được hỗ trợ chuyển giao công nghệ khi chưa có chính sách quy định cụ thể. Do đó cần phải có chế tài khuyến khích đầu vào cho phát triển công nghiệp hỗ trợ.

“Theo quy trình phải có công nghiệp lắp ráp, qua đó doanh nghiệp sẽ nhận thấy lợi thế của mình để có thể sản xuất và cung cấp được linh kiện phụ tùng tại chỗ hay không. Hơn nữa trong nguyên lý sản xuất, sản phẩm hỗ trợ phải được tiến hành từ dễ đến khó, do đó doanh nghiệp cần phải liên kết tốt với các nhà cung cấp để nhận quyền chuyển giao”, ông Dương nêu ý kiến.

Ngoài ra, ông Dương cũng kiến nghị chính sách của nhà nước cần thay đổi đối với các nhà sản xuất, linh kiện phụ tùng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Đặc biệt đối với những doanh nghiệp chỉ làm nhiệm vụ sản xuất rồi xuất khẩu trở lại thị trường khác, tận dụng chính sách ưu đãi và nguồn nhân công giá rẻ mà không mang lại lợi ích nào cho công nghiệp hỗ trợ trong nước.

“Nhà nước nên quy định rõ chi phí đào tạo nhân lực cho phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng như phí chuyển giao công nghệ. Các chính sách về thuế cũng cần được quy định cụ thể theo hướng ưu đãi cho phát triển công nghiệp hỗ trợ, miễn tiền thuê đất…”, ông Dương nói.

Ông Mai Văn Đạt, Giám đốc Công ty sản xuất linh kiện phụ tùng Văn Đạt lại có cách nhìn khác khi cho rằng, thị trường cho linh kiện và phụ tùng ở Việt Nam là rất lớn nếu các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tiếp cận được với các nhà cung cấp. Thực tế cho thấy, công nghiệp xe máy đã từng rất thành công khi nhà sản xuất nước ngoài đã liên doanh được với các nhà sản xuất nội địa.

“Doanh nghiệp hỗ trợ thừa sức sản xuất các sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật cao, tuy nhiên vấn đề tiêu thụ gặp nhiều khó khăn khi không liên kết được với các nhà cung cấp, hay nói đúng hơn là không tiếp cận được với các doanh nghiệp sản xuất nước ngoài. Do vậy, nhà nước cần có chính sách can thiệp bằng quy định tỷ lệ nội địa hóa đồng thời tăng cường liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất trong nước”, ông Đạt bày tỏ.

Cùng hoạt động trong lĩnh vực cung cấp phụ tùng, bà Lê Thị Thanh Hằng, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất phụ tùng ô tô xe máy Hưng Yên cho rằng, để phát triển công nghiệp hỗ trợ, nhà nước cần điều chỉnh đồng thời nhiều chính sách, trong đó có việc ưu đãi doanh nghiệp về tiền thuê đất, đặc biệt là lãi suất ngân hàng mới đủ sức cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài. “Đối với những chính sách cho công nghiệp hỗ trợ cần cụ thể và thực tế hơn, tránh dàn trải khó áp dụng gây khó khăn cho doanh nghiệp”, bà Hằng nêu rõ.

Hoàn thiện cơ chế năng lực

Đánh giá tiềm năng cũng như lợi thế của công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới, ông Trương Thanh Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) nhận định, các ngành dệt may, cơ khí-điện tử, lắp ráp… sẽ có nhu cầu lớn về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

“Việc cần thiết và cấp bách hiện nay là các doanh nghiệp trong nước phải nhanh chóng hiện đại hóa công nghệ, đào tạo nguồn lực lao động có chất lượng cao để sớm có thể sản xuất được những sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của các ngành công nghiệp trong nước”, ông Hoài nói.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Công Thương - Cao Quốc Hưng, Nghị định về phát triển Công nghiệp hỗ trợ dự kiến sẽ được trình Chính phủ và ban hành vào cuối năm 2014. Nghị định sẽ bổ sung một số ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp; hỗ trợ về công nghệ, quản trị sản xuất, tiếp cận khách hàng… nhằm khắc phục các điểm yếu của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Hướng đến mục tiêu năm 2020 sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cơ bản đáp ứng 45% nhu cầu trong nước và nâng lên 60% vào năm 2025.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần