Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao diện tích lấy nước vụ Xuân 2022 đợt 1 thấp nhất 5 năm gần đây?

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi kết thúc đợt lấy nước đầu tiên phục vụ gieo cấy vụ Xuân 2022, tổng diện tích có nước của 11 tỉnh, TP khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ đạt khoảng 16,4%. Con số này đạt thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.

Thông tin phát đi từ Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) vào cuối giờ chiều nay (7/1) cho biết, để bảo đảm dâng mực nước cho hạ du, các hồ chứa thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang và Thác Bà đã tăng cường phát điện từ ngày 12 giờ ngày 1/1/2022 (trước thời gian lấy nước hơn 2,5 ngày). Mực nước sông Hồng tại trạm Thủy văn Hà Nội trong ngày 3/1 (trước thời gian yêu cầu 1 ngày) đã đạt trung bình 1,66m.

Vận hành trạm bơm dã chiến Phù Sa lấy nước gieo cấy vụ Xuân 2022. Ảnh: Lâm Nguyễn.
Vận hành trạm bơm dã chiến Phù Sa lấy nước gieo cấy vụ Xuân 2022. Ảnh: Lâm Nguyễn.

Trong 3 ngày lấy nước chính của đợt 1, mực nước trung bình đạt 1,74m, cao nhất đạt 2,21m. Tuy nhiên, mực nước trung bình của ngày 6/1 không đạt mức 1,7m theo yêu cầu kế hoạch đặt ra ban đầu. Tổng thời gian hệ thống sông Hồng duy trì mực nước trên 1,7m tại trạm thủy văn Hà Nội của cả đợt là 38/72 giờ (bằng 52,8% tổng số giờ lấy nước trong đợt 1). 

 

Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong đợt lấy nước đầu tiên vừa qua, tổng lượng xả từ các hồ chứa thủy điện là 1 tỷ mét khối nước. Dự kiến bắt đầu từ 0 giờ ngày 15/1/2022, 11 tỉnh, TP khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ sẽ bước vào đợt lấy nước thứ hai phục vụ sản xuất vụ Xuân.

Theo Tổng cục Thủy lợi, mực nước tại trạm thủy văn Hà Nội bị tác động mạnh của thủy triều nên việc duy trì mực nước tại điểm quan trắc này ở mức tối thiểu 1,7m không bảo đảm. Các công trình cố định chưa được đầu tư, sửa chữa nâng cấp hạ thấp mực nước như trạm bơm Trung Hà, Phù Sa hay các cống Cẩm Đình, Liên Mạc của TP Hà Nội không đủ điều kiện vận hành lấy nước.

Mặc dù nhiều trạm bơm, nhất là của Hà Nội chưa thể vận hành lấy nước nhưng diện tích có nước của 11 tỉnh, TP khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ vẫn đạt hơn 82.930ha/506.558ha, đạt 16,4% diện tích gieo cấy theo kế hoạch. Riêng Hà Nội, diện tích có nước đạt khoảng 1,7% (tương ứng hơn 3.400ha).  

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh đánh giá so với một số năm gần đây, diện tích có nước trung bình sau đợt 1 thấp hơn từ 5 - 39%. Tỷ lệ này một số năm trước đó cụ thể: Năm 2021 là 21,1%, năm 2020 là 54%, năm 2019 là 54,4%, năm 2018 là 29,5%.

Lý giải thêm về nguyên nhân diện tích có nước đạt thấp hơn môt số năm gần đây, đại diện Tổng cục Thủy lợi chia sẻ là do số ngày lấy nước đợt 1 ít hơn một số năm gần đây (từ năm 2020 trở về trước thực hiện 4 ngày). Một số hệ thống lớn như Bắc Hưng Hải, Bắc Đuống, đang thực hiện lấy nước để thau rửa, tích trữ vào hệ thống công trình thủy lợi và chưa đưa nước lên ruộng. Ngoài ra, thời tiết hanh khô, không có mưa, đất phơi ải tương đối khô nên lượng nước đổ ải cần nhiều hơn các năm trước...

“Sau đợt 1 lấy nước, một số địa phương sẽ tiếp tục đưa nước lên ruộng từ nguồn nước trữ trong hệ thống kênh mương, sông suối nội địa... Dự kiến diện tích có nước sẽ tăng thêm ít nhất khoảng 3 - 5%, cơ bản đạt theo kế hoạch dự kiến (hết đợt 1 đạt từ 20 - 25%)…” - ông Nguyễn Văn Tỉnh thông tin thêm.