Vì sao doanh nghiệp phân bón than khó khăn?

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá phân bón hiện giảm rất sâu so với hồi lập đỉnh vào đầu năm 2022 gây khó khăn không nhỏ cho các DN trong ngành. Thậm chí năm 2023 một số DN đặt mục tiêu lợi nhuận giảm tới 70% so với cùng kỳ năm trước.

Giá phân bón giảm mạnh, doanh nghiệp đồng loạt báo lỗ

Năm 2022, các DN phân bón ghi nhận thắng lớn do hưởng lợi về giá. Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 đến nay, giá phân bón đảo chiều.

Giá Ure thế giới liên tục giảm mạnh. Có thời điểm gần đây, giá rớt xuống dưới 300 USD/tấn, mức thấp nhất trong 27 tháng kể từ đầu năm 2021. So với đỉnh hồi đầu năm 2022, giá loại hàng hoá này đã giảm tới gần 70%. Tương tự, giá phân bón DAP và NPK cũng lần lượt giảm 36% và 20% so với mức lập đỉnh hồi tháng 4/2022.

Sản xuất phân bón tại Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau. Ảnh minh họa
Sản xuất phân bón tại Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau. Ảnh minh họa

Nguyên nhân chủ yếu do các nhà sản xuất ở châu Âu mở rộng sản xuất nhờ giá nguyên, nhiên liệu đầu vào giảm khi nguồn khí đốt tự nhiên tăng lên và nhập khẩu LNG dồi dào. Bên cạnh đó, nguồn cung có xu hướng gia tăng trở lại sau khi Trung Quốc bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu cũng ảnh hưởng đến diễn biến giá các loại phân bón.

Quý I/2023, nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh phân bón lớn trong nước ghi nhận mục tiêu lợi nhuận tụt dốc. Đơn cử như phân bón Bình Điền, lần đầu tiên kể từ 2008 đến nay, đơn vị này ghi nhận doanh thu âm, lỗ trong quý I/2023. Hai DN lớn là Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau ghi nhận doanh thu, lợi nhuận giảm sâu so với quý I/2022. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế và hợp nhất của Công ty mẹ Phân bón Cà Mau giảm hơn 84%; lợi nhuận trước thuế của Phân bón Phú Mỹ cũng ước giảm đến 88% so với cùng kỳ năm trước.

Theo phản ánh của các DN, nguồn than khan hiếm và giá than thế giới vẫn ở mức cao, giá trong nước dự báo tiếp tục tăng. Trong khi đó, giá Ure và NH3 thế giới đã giảm rất sâu so với giá bình quân năm 2022.

Dự báo việc kinh doanh phân bón trong năm 2023 gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa
Dự báo việc kinh doanh phân bón trong năm 2023 gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa

Báo cáo phân tích của Công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, giá các loại nông sản sụt giảm kết hợp với nhu cầu tiêu thụ suy yếu sẽ khiến cho việc kinh doanh phân bón trong năm 2023 gặp nhiều khó khăn. Với dự báo kém khả quan của giá đầu ra, được cho là sẽ tác động tiêu cực lên biên lợi nhuận của các DN trong mảng phân Ure. Cũng theo chuyên gia phân tích của KBSV, việc kinh doanh phân bón theo đó cũng sẽ gặp rất nhiều trở ngại do giá các loại vật tư nông nghiệp hiện vẫn duy trì ở mức cao so với thời điểm trước Covid-19 trong bối cảnh cầu tiêu thụ suy yếu.

Cần đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế VAT

Trong bối cảnh các DN phân bón phải đối mặt rủi ro khi giá bán giảm sâu trên thị trường nội địa, Hiệp hội Phân bón Việt Nam kiến nghị, Nhà nước cần có những động thái như gỡ vướng Luật Thuế 71 quy định về thuế giá trị gia tăng (VAT) đầu vào cho phân bón.

Cụ thể, Luật Thuế 71 có hiệu lực từ năm 2015 quy định phân bón là đối tượng không chịu thuế VAT. Điều này khiến không chỉ DN phân bón chịu thiệt vì toàn bộ thuế VAT đầu vào không được khấu trừ hàng năm mà nông nghiệp, người nông dân cũng bị ảnh hưởng do phải mua phân bón với giá thành cao hơn 5 - 8% vì DN phải hạch toán một phần thuế không được khấu trừ vào chi phí sản xuất.

Ước tính, với quy mô ngành công nghiệp phân bón trên 100.000 tỷ đồng mỗi năm, với số thuế VAT không được khấu trừ ở mức 5%, các DN trong ngành công nghiệp phân bón phải gánh chịu 3.000 - 4.000 tỷ đồng/năm. Đây là con số rất lớn nếu xem xét đến lợi nhuận sau thuế của các DN sản xuất phân bón trong trung bình nhiều năm qua.

Đáng nói, với chính sách thuế hiện nay khiến phân bón Việt thua ngay trên sân nhà vì không có lợi thế cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng phân bón nhập khẩu các loại vào Việt Nam, nhất là Ure đã tăng khoảng 3 lần và con số này liên tục tăng trong những năm qua.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Phùng Hà cho rằng: Mục tiêu lâu dài và mang tính chiến lược để tháo gỡ khó khăn cho ngành phân bón, cũng như hài hòa lợi ích với người nông dân là Nhà nước sớm sửa đổi quy định của Luật Thuế 71.

Đó là đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế VAT nhằm tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng, sòng phẳng giữa các nhà sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu. Từ đó, mang lại lợi ích thiết thực cho ngành nông nghiệp, cho người nông dân.

 

Về lâu dài, các DN phân bón cần tiết giảm chi phí, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tối ưu hóa quy trình, giữ vững thị trường cũ, tìm thêm các thị trường xuất khẩu mới. Đặc biệt, tiếp tục nghiên cứu các loại phân bón có chất lượng cao, quan tâm đến phát triển bền vững, hóa học xanh trong sản xuất để đáp ứng yêu cầu cạnh tranh của thị trường.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Phùng Hà