Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao Đức không áp lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói rằng nước này vẫn phải phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga, do đó Berlin sẽ không áp lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Moscow.

Lượng dầu mỏ nhập khẩu từ Nga đang chiếm khoảng 1/3 nguồn cung nhiên liệu tại Đức. Ảnh: RT
Lượng dầu mỏ nhập khẩu từ Nga đang chiếm khoảng 1/3 nguồn cung nhiên liệu tại Đức. Ảnh: RT

Theo hãng tin RT, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock ngày 8/3 đã giải thích lý do khiến Đức quyết định không cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga để đáp trả việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, bởi biện pháp trừng phạt này (nếu được triển khai) có thể khiến một số hoạt động kinh tế của Đức gặp khó khăn.

Bà Baerbock nhấn mạnh, nếu Đức cảm thấy quyết định cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga sẽ góp phần kết thúc khủng hoảng Ukraine thì nước này sẽ hành động, tuy nhiên, thực tế không phải là như vậy.

Phát biểu trên kênh truyền hình trực tuyến của tờ Bild, Ngoại trưởng Baerbock nêu rõ: “Nếu chúng ta dừng ngay việc nhập khẩu dầu mỏ từ Nga, thì ngày mai chúng ta sẽ không thể di chuyển trong nước Đức được nữa”.

Theo Ngoại trưởng Baerbock, dầu mỏ nhập khẩu từ Nga đang chiếm khoảng 1/3 nguồn cung nhiên liệu tại Đức - mức phụ thuộc cao hơn nhiều so với Mỹ.

Bên cạnh đó, nguồn khí đốt nhập khẩu từ Nga đang chiếm hơn 50% tổng nguồn cung mặt hàng năng lượng này tại Đức.

Trước đó, Tass cho biết, Thủ tướng Đức Olaf Scholz  hôm 7/3 tuyên bố rằng nguồn cung cấp năng lượng từ Nga không thể thay thế trong một sớm một chiều nên đã quyết định tiếp tục kinh doanh với các công ty Nga trong lĩnh vực này.

Thủ tướng Scholz cũng cảnh báo rằng, lệnh cấm vận dầu mỏ và khí đốt xuất khẩu từ Nga, như một phần của các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt đối với Nga vì tình trạng căng thẳng với Ukraine, có nguy cơ đẩy an ninh năng lượng của châu Âu vào tình trạng nguy hiểm.

Trong một thông báo, ông Scholz nêu rõ: “Châu Âu đã cố ý miễn trừng phạt các nguồn cung năng lượng từ Nga. Hoạt động cung cấp năng lượng cho châu Âu để sưởi ấm, di chuyển, sản xuất điện và công nghiệp không thể được đảm bảo bằng bất cứ cách nào khác trong lúc này. Do đó, năng lượng nhập khẩu từ Nga có tầm quan trọng thiết yếu đối với việc cung cấp cho các dịch vụ công cộng và đời sống hàng ngày của người dân châu Âu”.

Khoảng 40% khí đốt nhập khẩu của Liên minh châu Âu (EU) do Nga cung cấp và mức độ phụ thuộc này ngày càng tăng trong vài năm trở lại đây. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 8/3 công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga trong bối cảnh Nga đang triển khai chiến dịch đặc biệt liên quan tới Ukraine.

Cùng lúc đó, chính phủ Anh cũng thông báo sẽ loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu và các sản phẩm dầu của Nga vào cuối năm 2022.

Cũng trong ngày 8/3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, EU sẽ giảm 2/3 nhu cầu đối với khí đốt của Nga vào cuối năm nay và loại bỏ dần các nhiên liệu hóa thạch của Nga trước năm 2030.