70 năm giải phóng Thủ đô

Vì sao EU phải điều chỉnh kế hoạch cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ủy ban châu Âu vừa đề xuất những điều chỉnh trong lệnh cấm vận dầu của Nga nhằm có được sự đồng tình của Hungary, Slovakia và CH Czech. 

Hiện các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang bất đồng quan điểm về đề xuất cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga trong gói trừng phạt thứ sáu chống Moscow. Trong nỗ lực nhằm thuyết phục các nước EU còn do dự, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất những thay đổi với kế hoạch cấm vận dầu của Nga để Hungary, Slovakia và Cộng hòa Czech có thêm thời gian chuyển nguồn cung cấp năng lượng, Reuters dẫn các nguồn tin EU ngày 6/5. 

EC vừa đề xuất những điều chỉnh trong lệnh cấm vận dầu của Nga nhằm có được sự đồng tình của Hungary, Slovakia và Cộng hòa Czech. Ảnh: Reuters 
EC vừa đề xuất những điều chỉnh trong lệnh cấm vận dầu của Nga nhằm có được sự đồng tình của Hungary, Slovakia và Cộng hòa Czech. Ảnh: Reuters 

Lãnh đạo EU dự kiến thông báo lệnh cấm vận dầu Nga trong tuần này trong gói trừng phạt cứng rắn nhất với Nga liên quan đến cuộc xung đột quân sự tại Ukraina. Tuy nhiên, Hungary và các quốc gia thành viên EU khác bày tỏ quan ngại về tác động của lệnh cấm vận này với nền kinh tế các nước này.

Đề xuất được điều chỉnh - mà các thành viên EU đã thảo luận trong sáng 6/5, song không đạt được sự đồng thuận - sẽ giúp 3 nước trên nâng cấp các nhà máy lọc dầu để chế biến dầu từ nơi khác và trì hoãn việc thoát khỏi sự phụ thuôc vào dầu Nga đến năm 2024, theo các nguồn tin từ EU.

Đề xuất ban đầu kêu gọi chấm dứt nhập khẩu dầu thô và sản phẩm dầu của Nga vào EU trước cuối năm nay. 

Cũng sẽ có một quá trình chuyển đổi kéo dài 3 tháng trước khi cấm các dịch vụ vận tải của EU vận chuyển dầu của Nga, thay vì 1 tháng như kế hoạch ban đầu. Sự điều chỉnh này để giải quyết những lo ngại của Hy Lạp, Malta và Cyprus về các công ty vận tải của những nước này, nguồn tin cho biết thêm. 

Các nhà ngoại giao nói rằng, cuộc đàm phán về đề xuất cấm vận dầu mỏ Nga rất phức tạp nhưng nhiều người bày tỏ tin tưởng rằng tất cả 27 chính phủ EU có thể nhất trí trước tuần tới.

Một nguồn tin cho hay, EU đàm phán vào chiều 6/5 nhằm tìm ra một thỏa hiệp với Hungary và có thể là Slovakia. "Tôi không nghĩ rằng chúng tôi sẽ thấy bước đột phá trong ngày hôm nay, nhiều khả năng là vào cuối tuần" – một nhà ngoại giao EU tiết lộ chiều 6/5. 

Theo đề xuất ban đầu, hầu hết các nước EU phải ngừng mua dầu thô của Nga 6 tháng sau khi lệnh cấm vận chính thức có hiệu lực và ngừng nhập khẩu các sản phẩm dầu tinh chế từ Nga trước cuối năm nay. Hungary và Slovakia ban đầu được cho hạn đến cuối năm 2023 để thực hiện.

Theo những thay đổi của EC, Hungary và Slovakia sẽ có thể mua dầu của Nga từ các đường ống cho đến cuối năm 2024, và Cộng hòa Czech có thể tiếp tục đến tháng 6/2024, nếu không nhận dầu thông qua đường ống từ Nam Âu trước đó, các nguồn tin cho biết.

Bulgaria cũng yêu cầu miễn trừ nếu các nước EU khác nhận được miễn trừ nhưng không được nhượng bộ về thời hạn "bởi vì họ không có vấn đề thực sự", một quan chức EU tiết lộ. Hungary, Slovakia và Cộng hòa Czech được gia hạn thêm "có một vấn đề khách quan," theo quan chức này.

Trong khi đó, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell hôm 6/5 đã thông báo về việc triệu tập một cuộc họp bất thường của các bộ trưởng ngoại giao EU vào tuần tới nếu không đạt được thỏa thuận nào vào cuối tuần này. 

Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết, nước này sẽ cần 5 năm và khoản đầu tư khổng lồ vào các nhà máy lọc dầu và đường ống để chuyển đổi hệ thống hiện tại, vốn lấy khoảng 65% lượng dầu từ Nga.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Tài chính Ukraine Serhiy Marchenko ngày 6/5 đã kêu gọi áp đặt lệnh cấm vận quốc tế hoàn toàn đối với lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt của Nga. 

Phát biểu trong một cuộc họp trực tuyến, Bộ trưởng Marchenko nói rằng Ukraine đang chật vật nhằm cân bằng ngân sách sau 10 tuần xung đột, trong khi đó tốc độ hỗ trợ tài chính từ nước ngoài cho Kiev hiện chưa phù hợp.