Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh:

Vì sao hóa đơn tiền điện sinh hoạt của người dân tăng vọt trong tháng 8/2023?

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nguyên nhân hóa đơn tiền điện trong tháng 8/2023 tại TP Hồ Chí Minh tăng bất ngờ khiến người dân thắc mắc, được đại diện Tổng Công ty Điện lực TP giải thích.

Chiều 7/9, tại buổi họp báo do UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức nhằm cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch trên địa bàn.

Một trong nhiều vấn đề được dư luận quan tâm là hóa đơn tiền điện sinh hoạt của người dân tháng 8/2023 bỗng tăng vọt, đã được ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC) giải thích.

Ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC lý giải vì sao tiền điện trong hóa đơn tháng 8/2023 của người dân tăng vọt.  
Ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC lý giải vì sao tiền điện trong hóa đơn tháng 8/2023 của người dân tăng vọt.  

Theo ông Kiên, hiện nay, EVNHCMC đã cơ bản hoàn thành việc thay gắn công tơ có chức năng thu thập dữ liệu từ xa cho khách hàng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, nên việc thu thập chỉ số phục vụ công tác tính tiền điện hàng tháng hoàn toàn tự động, từ xa, phù hợp với xu thế chuyển đổi số và đem lại sự thuận tiện cho cả ngành điện và khách hàng. Việc này đã giúp nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm của khách hàng, mang đến cho khách hàng sự thuận lợi trong việc chủ động giám sát, theo dõi mức sử dụng điện hàng ngày trong thời gian qua.

Trong những năm qua, lịch ghi chỉ số tính tiền điện của khách hàng được phân theo ngày (từ ngày 3 đến ngày 25 hàng tháng) để đảm bảo đủ nguồn nhân lực ghi chỉ số hàng ngày. Hiện nay với công nghệ đã trang bị nêu trên, EVNHCMC đã không còn cử nhân viên đi ghi điện hàng ngày mà ghi điện tự động từ xa. Để tiếp tục khai thác hiệu quả hơn hệ thống nêu trên, EVNHCMC đã có kế hoạch triển khai ghi chỉ số công tơ vào cuối hàng tháng từ tháng 9/2022 và mục tiêu đến năm 2024 sẽ hoàn tất 100% khách hàng mục đích sinh hoạt, mục đích ngoài sinh hoạt có sản lượng tiêu thụ <50.000 KWh/tháng sẽ chỉ ghi điện 1 ngày vào cuối mỗi tháng.

“Việc này giúp khách hàng dễ nhớ ngày ghi chỉ số, ngày thanh toán tiền điện, cũng như thuận lợi cho các khách hàng là doanh nghiệp thực hiện đúng quy định kế toán. Kỳ kế toán tháng, là 1 tháng tính từ đầu ngày 1 đến hết ngày cuối cùng của tháng. Chỉ duy nhất trong tháng có thay đổi ngày ghi chỉ số, khách hàng có số ngày sử dụng điện tăng thêm, do đó số tiền tương ứng cũng tăng theo tùy theo số ngày sử dung điện. Tương ứng với số ngày sử dụng điện tăng, ngành điện cũng đã điều chỉnh định mức bậc thang đối với khách hàng sinh hoạt để đảm bảo quyền lợi của khách hàng sử dụng điện. Việc tính toán tiền điện như vậy đảm bảo tuân thủ đúng Thông tư 16/2014/TT-BCT, Thông tư 09/2023/TT-BCT và quyết định về biểu giá hiện hành của Bộ Công thương”, ông Bùi Trung Kiên nói.

Ông Kiên cho biết thêm, trước khi thực hiện thay đổi ngày ghi chỉ số, EVNHCMC đã thông báo đến khách hàng có thay đổi ngày ghi điện về thời gian thực hiện cụ thể và đã giải thích chi tiết các thay đổi về sản lượng điện tiêu thụ và tiền điện trong tháng. Hình thức thông báo là tin nhắn trực tiếp qua ứng dụng (app) chăm sóc khách hàng và Zalo. Đồng thời, cũng có gửi thông báo đến chính quyền địa phương.

Việc thay đổi phiên ghi điện được thực hiện đối với một số lượng lớn khách hàng. Điều này có thể sẽ gây ra những bất tiện đối với một số khách hàng, chủ yếu là khi chưa thông hiểu cách tính tiền. Vì vậy, EVNHCMC chân thành xin lỗi vì sự bất tiện này.

Đối với kết quả thực hiện và giải đáp thắc mắc của khách hàng trong kỳ hóa đơn tháng 8/2023, ông Bùi Trung Kiên, nói: “Đến nay, EVNHCMC đã hoàn tất việc chuyển lịch ghi chỉ số về cuối hàng tháng cho gần 2 triệu khách hàng, số còn lại sẽ thực hiện trong thời gian tới và hoàn tất 100% trong năm 2024. Riêng trong tháng 8/2023, các công ty điện lực, tùy theo khả năng đã triển khai thay đổi ngày ghi điện về cuối tháng hơn 400.000 khách hàng thuộc các phiên ghi điện cũ ghi từ ngày 3 đến ngày 20 hàng tháng, nên ngày sử dụng điện trong kỳ hóa đơn tháng 8/2023 đối với khách hàng này tăng thêm từ 11 đến 28 ngày, tương ứng với lịch phát hành hóa đơn và thanh toán cũng dời về đầu tháng 9/2023”.

Ngoài ra, còn nguyên nhân khách quan có thể khách hàng chưa để ý là các ngày trong tháng 8/2023 thời tiết nắng nóng hơn nên nhu cầu sử dụng điện cũng tăng hơn so với tháng 7/2023. Khách hàng có thể dễ dàng kiểm tra lượng điện tiêu thụ hàng ngày của gia đình mình trên ứng dụng CSKH-EVNHCMC để rõ hơn.

Về cách tính toán và áp dụng đơn giá, như đã nêu trên EVNHCMC khẳng định tuân thủ đúng quy định về đơn giá và phương pháp tính theo quy định hiện hành tại Thông tư 16/2014/TT-BCT, Thông tư 09/2023/TT-BCT và quyết định 1062/QĐ-BCT ngày 4/5/2023 quy định về biểu giá điện.

Về định mức bậc thang tính cho các khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, thì số kwh ở mỗi bậc thang được tính tăng thêm tương ứng với số ngày sử dụng tăng thêm do thay đổi ngày ghi chỉ số. Cụ thể, 1 trường hợp khách hàng sinh hoạt, thuộc khu vực ghi điện ngày 11 hàng tháng, kể từ tháng 8/2023 chuyển về ghi điện ngày cuối tháng, điện năng tiêu thụ là 550Kwh, trong kỳ hóa đơn tháng 8/2023 số ngày sử dụng điện tăng thêm là 20 ngày được tính toán chi tiết như ảnh bên dưới:

&Ocirc;ng B&ugrave;i Trung Ki&ecirc;n giải th&iacute;ch số kwh ở mỗi bậc thang được t&iacute;nh tăng th&ecirc;m tương ứng số ng&agrave;y sử dụng tăng th&ecirc;m do thay đổi ng&agrave;y ghi chỉ số.
Ông Bùi Trung Kiên giải thích số kwh ở mỗi bậc thang được tính tăng thêm tương ứng số ngày sử dụng tăng thêm do thay đổi ngày ghi chỉ số.

“Với tinh thần cầu thị và mong muốn phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn, EVNHCMC xin nhận các thiếu sót và rút kinh nghiệm trong công tác triển khai để ngày càng phục vụ khách hàng được tốt hơn, xin được xin lỗi vì sự bất tiện này”, ông Bùi Trung Kiên bộc bạch.