Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao khó tin quyết định dời thủ đô của Indonesia?

Hương Thảo (Theo The Guardian)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tài khoản Instagram của Tổng thống Joko Widodo hôm 30/4 đăng một bức ảnh toàn cảnh về siêu đô thị Jakarta và suy nghĩ về việc liệu TP này có thể tiếp tục là trung tâm kinh tế và hành chính của Indonesia hay không.

Jakarta của Indonesia không chỉ bị bao vây bởi loạt "bệnh" điển hình của các siêu đô thị hiện nay - bao gồm ô nhiễm môi trường, quá tải dân số và giao thông tắc nghẽn - đây còn là một trong những thủ đô chìm nhanh nhất trên thế giới.
Những ngôi nhà bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ở khu ổ chuột Tanah Abang tại Jakarta, Indonesia. 
Vì vậy, khi Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo, thường được gọi là Jokowi, tuần này đề nghị tìm một nơi khác làm trung tâm hành chính, mọi người không quá bất ngờ. Ý tưởng di dời tương tự thậm chí đã được đưa ra từ thời Tổng thống đầu tiên của Indonesia, Sukarno, vào năm 1957 và sau đó được nhắc lại bởi một số vị kế nhiệm khác.
Nếu kế hoạch lần này được tiến hành, Indonesia sẽ tiếp nối danh sách dài các quốc gia khác trên thế giới đã thay đổi thủ đô của mình, từ Nigeria, Brazil đến Myanmar hay Australia. Ai Cập cũng được cho là đang xây dựng một thủ đô mới, chưa được đặt tên, trên sa mạc để thay thế Cairo trong tương lai.
Tuy nhiên, hiếm ai ở Jakarta tin rằng kế hoạch của ông Jokowi là nghiêm túc. Người ta đã nghe thấy điều này trước đây nhưng bây giờ nó trở nên thường xuyên hơn - điều mà theo Elisa Sutanudjaja, giám đốc Trung tâm nghiên cứu đô thị Rujak, là dường như có "chu kỳ 5 năm một lần", khiến mọi việc chỉ là "một sự phiền nhiễu".
Ngay trong cuộc họp nội các hồi đầu tuần nay sau một trận lụt nghiêm trọng tại Jakarta, Bộ trưởng Kế hoạch Indonesia, Bambang Brodjonegoro, thông báo về quyết định của Tổng thống nhưng hầu như không cung cấp thông tin nào chi tiết, khiến người dân Jakarta phẫn nộ.
"Chuyển nó đi cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì", ông Sutanudjaja nói, "Jakarta hiện nay khá giống với Tokyo những năm 1960, với nạn sụt lún, lũ lụt, thiên tai và quá đông đúc. Nếu thực sự muốn giải quyết vấn đề thì họ cần chữa trị cho nó chứ không phải bỏ đi".
Quyền lực ở quốc gia này từ lâu đã tập trung vào Java, hòn đảo đông dân nhất thế giới và logic di chuyển thủ đô một phần cũng là nhằm thúc đẩy tăng trưởng ở khu vực phía Đông kém phát triển của Indonesia.
Chưa có địa điểm cụ thể nào được gọi tên như một sự thay thế, nhưng TP Palangkaraya ở Kalimantan - một phần của đảo Borneo ở Indonesia, đã được đề xuất. Tuy nhiên Hendro Sangkoyo, đồng sáng lập Trường Kinh tế Dân chủ, đã bày tỏ sự hoài nghi về ý tưởng đó.
Một phụ nữ Indonesia lái xe máy giữa sương khói màu vàng đặc ở Palangkaraya, Kalimantan, sau vụ cháy rừng năm 2015. 
"Sự phát triển theo lỗi mòn và bất bình đẳng từ từng biến Jakarta thành 'con quái vật' rồi cũng sẽ phá hủy Kalimantan", ông Sangkoyo nói khi cho biết thêm, trong nhiều thập kỷ, Kalimantan cũng đã phải chịu hậu quả tiêu cực từ hoạt động ngành khai thác vàng, than, dầu và khí đốt, cũng như khai thác gỗ và gần đây hơn là canh tác dầu cọ.
Sau khi đọc một tài liệu được phát hành bởi Bộ kế hoạch, ông Sangkoyo nhận định, động thái thay đổi này của chính phủ Indonesia là nhằm tạo cơ hội kinh doanh cho một số "đầu sỏ" hơn là để xây dựng một thủ đô "khỏe mạnh", bởi "chẳng có gì thay đổi trong quy hoạch nơi không gian hay trên lý thuyết...Nếu họ thực sự muốn làm điều đó, họ nên tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý".
Thời điểm đưa ra quyết định cũng là yếu tố gây nghi ngại về tính khả thi. Ben Bland, giám đốc dự án Đông Nam Á tại Viện Lowy ở Australia, lưu ý rằng thông báo của ông Jokowi được đưa ra không lâu sau cuộc bầu cử Tổng thống mà ông đang được dự đoán nhiều khả năng sẽ giành được nhiệm kỳ thứ 2, dù kết quả chính thức dự kiến sẽ được công bố vào tháng 5 tới.
"Có vẻ chỉ là một nỗ lực của Tổng thống (Jokowi) để khẳng định lại quyền lực của mình trong bối cảnh cuộc tranh cử vẫn còn đang diễn ra", ông Bland nói.
Tuy nhiên, thực tế rằng ý tưởng di dời đã được đưa ra trong hơn 60 năm qua là minh chứng cho thấy Jakarta đang không thể làm tròn vai trò "đầu não" của nó một cách tốt nhất. Nhưng ngay cả với vô số vấn đề với TP này, người Indonesia vẫn không thể dễ dàng đồng ý di dời thủ đô của họ mà thiếu kế hoạch tiềm năng rõ ràng.