Hãng tin Bloomberg hồi đầu tháng 2 dẫn các nguồn tin cho biết Mỹ đã thỏa thuận với các nước nhập khẩu khí đốt tự nhiên ở châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ nhằm cung cấp khí cho châu Âu.
Trong khi đó, EU đang xem xét tất cả các lựa chọn và kịch bản, bao gồm việc hợp tác với các đối tác như Mỹ, Qatar và Azerbaijan trong trường hợp Nga giảm hoặc tạm dừng cung cấp khí đốt. Ngoài ra, Mỹ cũng đang tiếp xúc với các nước sản xuất khí đốt như Qatar, Nigeria, Ai Cập, Libya để thảo luận về việc tăng sản lượng khi xảy ra tình huống nguy cấp.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch EU Ursula von der Leyen khẳng định hai bên đang làm việc cùng nhau để hướng tới việc đảm bảo cung cấp khí đốt tự nhiên một cách liên tục, đầy đủ và kịp thời cho EU từ các nguồn khác nhau trên toàn cầu, nhằm tránh cú sốc về nguồn cung xảy ra, trong đó có tác động từ tình hình giữa Nga-Ukraine.
Theo giới quan sát, Qatar là “ngôi sao mới nổi” trong danh sách những lựa chọn thay thế về năng lượng của Mỹ.
Trong một diễn biến liên quan, tại hội đàm ngày 31/1 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định với Tiểu vương Qatar, Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani rằng sẽ sớm tuyên bố Qatar là một đồng minh chính ngoài NATO, trao quy chế đặc biệt cho một “người bạn” quan trọng tại khu vực đầy biến động này.
Việc Nga tăng cường binh lính dọc theo biên giới Ukraine đã gây ra một thế cờ mới trên toàn cầu về năng lượng, khi Moscow đe dọa cắt nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho nước láng giềng và bất kỳ quốc gia châu Âu nào có thể chặn đường của họ. Trong khi Mỹ đang tìm kiếm các nguồn khí đốt thay thế, chẳng hạn như Qatar, để hỗ trợ các đồng minh châu Âu thì Nga cũng đề xuất cung cấp thêm khí đốt cho Trung Quốc.
Có hai lý do khiến Washington "trải thảm đỏ" cho Qatar, quốc gia có chưa tới 3 triệu dân với diện tích nhỏ hơn cả bang Connecticut của Mỹ.
Đầu tiên là Afghanistan. Qatar đã tiếp đón lãnh đạo Taliban trong nhiều năm và duy trì mối quan hệ chặt chẽ với tổ chức này. Sau khi rút lui vội vã khỏi Afghanistan - động thái khiến tỷ lệ tín nhiệm của Tổng thống Biden sụt giảm, Nhà Trắng cần sự giúp đỡ của Qatar để ổn định đất nước.
Thứ hai, Qatar hiện là một trong nhà sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng hàng đầu, nhờ có Mỏ Bắc ngoài khơi, một phần của mỏ khí tự nhiên lớn nhất thế giới không gắn với dầu thô. Tổng sản lượng hàng năm là 77 triệu tấn, và quốc gia này năm ngoái đã đầu tư 28,7 tỷ USD để nâng cao năng lực.
Không giống như các hợp đồng thương mại dầu, các hợp đồng khí hóa lỏng (LNG) thường dài hạn. Do đó thời gian để tăng cường sản xuất bị hạn hẹp, kéo theo lượng khí đốt có thể được cung cấp trong những trường hợp khẩn cấp - chẳng hạn như cuộc khủng hoảng Ukraine - bị hạn chế. Các nhà sản xuất lớn như Qatar là những "người chơi" duy nhất có thể giúp đỡ nếu kịch bản xấu nhất xảy ra.
Với vị thế như vậy, Qatar có khả năng giữ vai trò quan trọng ở Afghanistan và Ukraine, hai cuộc khủng hoảng quốc tế được cho là sẽ làm cạn kiệt nguồn lực chính trị của ông Biden.