Vì sao người Việt chưa mặn mà với bảo hiểm nhân thọ?

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Bảo hiểm nhân thọ (BHNT) đang trở thành lựa chọn phổ biến của cuộc sống hiện đại. Tại Việt Nam, tuy là một nước đang phát triển nhưng tỷ lệ dân số tham gia BHNT còn rất thấp. Vậy đâu là nguyên nhân?

Khi đại lý bảo hiểm “đem con bỏ chợ”

Thời gian qua, lùm xùm diễn viên Ngọc Lan "tố" bảo hiểm nhân thọ MVI đã phần nào phản ánh những bất cập, hạn chế của ngành BHNT. Điều này khiến nhiều người vốn có cái nhìn thiếu thiện cảm với bảo hiểm, thì nay càng mất niềm tin, e dè khi cân nhắc tham gia các sản phẩm bảo hiểm. Không chỉ tồn tại nhiều vấn đề về hợp đồng, ngành bảo hiểm còn đang bị mất điểm trong mắt khách hàng vì hệ thống đại lý thiếu chuyên nghiệp.

Sau diễn viên Ngọc Lan, mới đây NSƯT Kim Tử Long cũng tiết lộ thêm những rắc rối với BHNT. Theo tiết lộ, anh từng bị hủy hợp đồng bảo hiểm và mất trắng hơn 100 triệu đồng sau khi đóng được 3 năm, mà vấn đề xuất phát từ nhân viên tư vấn. 

Nam nghệ sĩ cho hay, trong những năm đầu tiên, người tư vấn viên vẫn săn đón đồng thời nhắc anh đóng bảo hiểm đều đặn. Tuy nhiên, việc này chỉ kéo dài đến hết năm thứ 3 mà thôi. Bản thân nam nghệ sĩ cũng quá bận rộn nên không có người nhắc đóng bảo hiểm thì anh cũng quên luôn. Thời gian sau đó, NSƯT  Kim Tử Long phát hiện ra mình quên đóng phí và hợp đồng của anh cũng đã bị huỷ. Sau khi liên hệ lại với nhân viên bảo hiểm thì nhận được câu trả lời là họ đã nghỉ, không bán bảo hiểm nữa.

Nhiều đại lý bảo hiểm "đem con bỏ chợ" sau khi ký hợp đồng một thời gian
Nhiều đại lý bảo hiểm "đem con bỏ chợ" sau khi ký hợp đồng một thời gian

Qua vụ việc trên, nghệ sĩ Kim Tử Long cho rằng, nếu nhân viên tư vấn bảo hiểm cho khách hàng nghỉ làm, bàn giao lại cho công ty bảo hiểm thì công ty phải có trách nhiệm phân công nhân viên khác tiếp tục chăm sóc khách hàng. Việc công ty bảo hiểm tự động hủy hợp đồng với khách hàng và không đưa ra lời cảnh báo cho khách hàng là không có trách nhiệm với “thượng đế” của mình.

Phản hồi thông tin này, Prudential cho biết, qua thông tin phản ánh trên mạng xã hội, có ghi nhận khiếu nại của khách hàng Hoàng Kim Long (nghệ sĩ Kim Tử Long) phản ánh về trải nghiệm khi tham gia hợp đồng bảo hiểm cùng Prudential. Prudential đã liên hệ với khách hàng qua điện thoại để ghi nhận, lắng nghe và tìm hiểu về sự việc. Prudential đề xuất một buổi làm việc trực tiếp với khách hàng để hiểu rõ hơn về phản ánh này. Khách hàng đồng ý hợp tác gặp gỡ và phối hợp. "Chúng tôi đang yêu cầu đại lý bảo hiểm tìm lại email, tin nhắn thông báo đóng phí bảo hiểm trao đổi với khách hàng về sự việc này" - phía Prudential cho biết.

Trường hợp của nghệ sĩ Kim Tử Long hiện đang diễn ra khá phổ biến trên thị trường bảo hiểm hiện nay. Trên các diễn đàn, nhiều khách hàng cũng phàn nàn, việc bị các đại lý bỏ bẵng không chăm sóc, hoặc không có trách nhiệm sau khi ký hợp đồng một thời gian. Khi khách hàng liên hệ với đại lý mới biết họ đã nghỉ việc, do đó việc giải quyết các vấn đề cũng trở nên rối rắm hơn.

Chị Thanh Huyền (Hà Đông) chia sẻ: “Lúc mua bảo hiểm thì họ nói ngon ngọt, cam kết đủ điều, chăm sóc hỏi thăm thường xuyên. Nhưng sau một thời gian họ bỏ bẵng, thậm chí nghỉ việc cũng không thông báo, làm mình không biết bấu víu vào đâu”.

Lý giải nguyên nhân khiến tình trạng đại lý bảo hiểm “sớm nở, tối tàn”, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam Ngô Trung Dũng cho hay, với đa số sản phẩm bảo hiểm đang được bán, doanh nghiệp chỉ trả hoa hồng cho 5 năm đầu hoặc 3 năm đầu với một số sản phẩm. Nếu phân bổ hoa hồng đều cho cả thời hạn hợp đồng, mức thực tế nhận về chỉ khoảng 10%. Việc phân bổ hoa hồng cao trong năm đầu và thấp dần ở các năm sau chính là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng một số tư vấn viên cố bán bảo hiểm rồi “đem con bỏ chợ”.

Thị trường tiềm năng còn bỏ ngỏ

Mặc dù thị trường bảo hiểm nhân thọ đã chính thức xuất hiện tại nước ta cách đây hơn 20 năm nhưng đây vẫn là một ngành khá non trẻ so với bề dày lịch sử ngành bảo hiểm nhân thọ trên thế giới. Các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ vẫn còn hạn chế và chưa hấp dẫn được khách hàng tiềm năng tham gia. Trong khi đó, kỳ hạn của một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thường rất dài (khoảng 15 năm trở lên) nên tâm lý người dân vẫn còn e ngại trong việc tham gia bảo hiểm nhân thọ.

Trong khi đó, Việt Nam là một nước đang phát triển, với quy mô dân số lớn, được đánh giá là thị trường tiềm năng của ngành bảo hiểm. Tuy nhiên, tỷ lệ tham gia bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam mới chỉ có 11% dân số tham gia. Trong khi đó, tại Philippines khoảng 38% dân số có bảo hiểm, tỷ lệ này tại Malaysia khoảng 50%, Singapore khoảng 80%, Mỹ khoảng 90%... Bên cạnh đó, mức độ thâm nhập của mảng bảo hiểm nhân thọ khá thấp, chỉ chiếm khoảng 2% GDP năm 2020, trong khi Thái Lan là 3,1%, Singapore là 9,8%, Đài Loan là 13,7%, Hồng Kông là 19,7%...

Thị trường BHNT Việt Nam đang phát triển chậm so với nhiều thị trường khác trong khu vực và trên thế giới. Lẽ ra, với tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng đạt gần 70% thì dân số tham gia BHNT phải tương đương, hoặc ít nhất là gần một nửa, nhưng hiện mới chỉ là 11%.

Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 đặt mục tiêu tổng quát là hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về kinh doanh bảo hiểm đầy đủ, minh bạch, bình đẳng và đồng bộ. Chiến lược đặt ra mục tiêu cụ thể là doanh thu ngành bảo hiểm tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 15%/năm, đến năm 2025, quy mô đạt 3% - 3,3% GDP; tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026 - 2030 là 10%/năm, đến năm 2030 quy mô đạt 3,3% - 3,5%. Đến năm 2025 có 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ; đến năm 2030 có 18% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) có nhiều quy định mới, tạo điều kiện cho thị trường bảo hiểm phát triển, khuyến khích ứng dụng công nghệ mới trong kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm hoặc môi giới bảo hiểm, phụ trợ bảo hiểm… nên cần những kênh phân phối chuyên nghiệp, tin cậy, không chỉ bán hàng mà còn hướng tới cả chức năng hướng dẫn chi trả bảo hiểm.

Đưa ra giải pháp, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, Nhà nước và các doanh nghiệp BHNT cần phối hợp với nhau trong việc tuyên truyền, quảng bá để người dân cảm nhận được vai trò quan trọng của bảo hiểm nhân thọ trong việc bảo vệ nguồn tài chính cá nhân khi rủi ro xảy ra. Từ đó, người dân có cái nhìn thân thiện hơn đối với đội ngũ tư vấn bảo hiểm hay các công ty bảo hiểm nhân thọ. Các công ty bảo hiểm cần duy trì mối quan hệ với các khách hàng cũ thông qua việc gọi điện hỏi thăm để tư vấn tài chính cho khách hàng, tổ chức các buổi hội thảo, tri ân khách hàng, tặng quà nhân dịp sinh nhật, cuối năm... Việc duy trì mối quan hệ tốt với khách hàng cũ sẽ giúp công ty bảo hiểm nắm được tâm tư tình cảm của khách hàng, hỗ trợ khách hàng khi khách hàng gặp khó khăn về tài chính, tránh việc tất toán hợp đồng trước hạn hay tìm kiếm được nguồn khách hàng mới từ khách hàng cũ.