Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngày 12/11, UBND TP Hà Nội đã ban hành thông báo số 768/TB-UBND đánh giá cấp độ dịch trên địa bàn TP. Theo đó, quy mô cấp độ dịch trên toàn TP là cấp 2; quy mô cấp quận, huyện, thị xã cả 30 quận, huyện, thị xã ở cấp độ 2; quy mô cấp xã, phường, thị trấn có 281 xã, phường, thị trấn cấp độ 1, 293 cấp độ 2, 04 ở cấp độ 3 và 01 ở cấp độ 4.Nhiều người về từ vùng dịch nhưng chủ quanVới lượng người lưu thông qua địa bàn Thủ đô tăng khiến cho tình hình dịch tại Thủ đô có chiều hướng xấu.Theo báo cáo nhanh của CDC Hà Nội, tính đến 18 giờ ngày 16/11 đã có 18.659 người từ các tỉnh, thành khác đến Hà Nội. Trong đó, đi bằng: máy bay (10.209 người), tàu hỏa (3.442), ô tô, xe khách (2.918), phương tiện cá nhân (2.090). Mặc dù Bộ GTVT đã có chỉ đạo về công tác phòng chống dịch tại nhà ga, bến tàu, sân bày nhưng không tránh khỏi lượng người tham gia giao thông cũng là nguồn bệnh.Trong đó ghi nhận 142 trường hợp dương tính về từ: TP Hồ Chí Minh (85), Bình Dương (18); Đồng Nai (11); Kiên Giang (06); Hà Giang (05), Nam Định (04), Phú Thọ (03), Hà Nam (03), Quảng Ngãi (02), Long An (02), Hải Dương (02), Phú Quốc (02), Thái Bình (02), Tây Ninh (01), Đồng Tháp (01), Khánh Hòa (1), An Giang (1), An Giang (01), Bắc Giang (01), Đăk Lăk (1); Lâm Đồng (1). Thực tế theo dõi tình hình F0 của Thành phố trong tuần quan, lượng F0 do những người dân xuất phát từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương đến Hà Nội vẫn đứng đầu danh sách.
Nhiều trường hợp về từ vùng dịch không thực hiện tốt việc tự cách ly tại nhà, không thực hiện 5K, đã lây nhiễm cho nhiều người, thành những ổ dịch phức tạp trong cộng đồng. Điển hình là trường hợp mới đây tại quận Thanh Xuân từ TP Hồ Chí Minh về, ngay khi về đến Thủ đô, đã tụ tập, gặp gỡ nhiều người, ăn uống nhiều nơi, lây lan cho nhiều người tại một số quận, huyện. Tương tự, nhiều ca nhiễm về từ TP Hồ Chí Minh làm lây lan dịch tại Hà Nội khi chủ quan, lơ là.
Một số chuyên gia y tế cho rằng, vừa qua, ngay sau khi mở cửa, đã xuất hiện tâm lý chủ quan đối với người dân, kể cả chính quyền tại một số địa bàn, nên dịch có xu hướng lây lan nhanh. Nhiều trường hợp F1 nhưng không chủ động khai báo, nhiều người về từ vùng dịch nhưng không hạn chế đi lại, tiếp xúc. Thậm chí có những trường hợp có dấu hiệu hiệu nhiễm bệnh như ho, sốt, đau họng, vẫn không chịu khai báo y tế để kịp thời cách ly, xét nghiệm. "Đã có nhiều người có dấu hiệu nhiễm bệnh, dù chúng tôi tuyên truyền ra rả để họ khai báo và xét nghiệm miễn phí nhưng họ vẫn giấu bệnh. Đến khi phát hiện dương tính thì đã lây cho nhiều người, trở thành những ổ dịch phức tạp trong cộng đồng" - Phó Giám đốc CDC Hà Nội Lã Thị Lan cho biết.
Cũng theo bà Lan, trong những ngày qua, lực lượng chống dịch rất vất vả truy vết, khống chế các ổ dịch trong cộng đồng. Nếu không điều chỉnh chính sách phòng chống dịch phù hợp, số ca nhiễm trong cộng đồng sẽ khó kiểm soát. Với sự biến chủng của virus SARS-CoV-2 khó lường như hiện nay, sẽ khó nói trước được điều gì. Mở cửa, sống chung với Covid-19 là cần thiết nhưng sẽ phải hết sức thận trọng, không chủ quan và linh hoạt ứng phó với diễn biến của tình hình dịch bệnh.
Đứng trước tình hình đó, chiều 16/11, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Công điện số 23/CĐ-UBND về việc tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP trong tình hình mới.
|
Nỗ lực khống chế ca mắc trong cộng đồng
Trước hết, Công điện số 23/CĐ-UBND của UBND TP Hà Nội xuất phát từ tình hình diễn biến hết sức phức tạp, có chiều hướng xấu trong những ngày gần đây trên địa bàn Thành phố. Nếu tính từ giai đoạn thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP đến nay (11/10 - 18h00 ngày 15/11) Hà Nội đã phát sinh: 2.465 ca mắc (trung bình 66,62 ca/ngày), trong đó 724 ngoài cộng đồng (29,37%), 1.340 tại khu cách ly (54,36%), 380 tại khu phong tỏa (15,41%), 21 ca nhập cảnh (0,86%). 15 chùm ca bệnh xuất hiện tại Hà Nội có chiều hướng phức tạp như sau: Chùm ca bệnh tại Phú Đô, quận Nam Từ Liêm đã ghi nhận 197 ca mắc mới. (Trong ngày 16/11 ghi nhận 14 ca mắc mới). Chùm ca bệnh tại Khu công nghiệp Đài Tư, quận Long Biên đã ghi nhận 112 ca mắc. (Trong ngày 16/11 ghi nhận 06 ca mắc mới). Chùm ca bệnh tại đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy đã ghi nhận 135 ca mắc. (Trong ngày 16/11 ghi nhận 21 ca mắc mới). Chùm ca bệnh mới tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm đã ghi nhận 258 ca mắc. (Trong ngày 16/11 ghi nhận 06 ca mắc mới).
Hà Nội đang tập trung khống chế nhanh nhất các ca mới ngoài cộng đồng, khoang vùng dập tắt các ca dịch ở khu cách ly, phong tỏa và đưa ra các giải pháp hạn chế thấp nhất các ca nhập vào Thành phố. Ảnh Duy Khánh |
Đến lúc này, Hà Nội cần tập trung khống chế nhanh nhất các ca mới ngoài cộng đồng, khoang vùng dập tắt các ca dịch ở khu cách ly, phong tỏa và đưa ra các giải pháp hạn chế thấp nhất các ca nhập vào Thành phố. Việc Hà Nội quyết định cách ly tại nhà người đã tiêm đủ mũi vaccine hoặc đã khỏi Covid-19 đến từ vùng cấp độ dịch 3, 4 hoặc có số ca cao như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương chắc chắn sẽ cản trở việc đi lại của người dân trong giai đoạn đầu khi “bình thường mới”.
Nhưng đây vẫn là việc làm được tính toán và cần thiết để Thành phố có thời gian tập trung nguồn lực khống chế và giảm số ca F0 ngoài cộng đồng cũng như tại các khu cách ly, phong tỏa. Chắc chắn đây chỉ là giải pháp tình thế, thời gian kéo dài không lâu và nằm trong thẩm quyền của địa phương (nhưng theo Nghị quyết 128 cần “kịp thời báo cáo cơ quan ban hành quy định, hướng dẫn”). Hà Nội đã có 2 năm kinh nghiệm chống dịch, thực tế đến nay vẫn có những quyết định của TP ban đầu có những ý kiến trái chiều như giãn cách toàn TP từ ngày 24/7 hay quyết định xét nghiệm trên diện rộng đầu tháng 9. Nhưng thực tế sau này đã được nhiều chuyên gia y tế đánh giá là phù hợp với tình hình thực tế và cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ra.
Trong suốt 2 năm qua, Hà Nội đã nhiều lần chia sẻ khó khăn với cả nước trong công cuộc chung tay đẩy lùi đại dịch Covid-19. Hà Nội đang gặp một khó khó khăn, đây là lúc Thủ đô cần sự cảm thông, chia sẻ của Nhân dân cả nước, chắc chắn một thời gian ngắn, việc đi lại của người dân sẽ thuận lợi hơn.