Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao phân khúc khách sạn 5 sao tại Hà Nội hoạt động tốt kỉ lục?

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo báo cáo tình hình thị trường bất động sản Hà Nội quý I/2017 vừa được Savills Việt Nam công bố, thị trường khách sạn tại Hà Nội đang hoạt động rất tốt xét về cả công suất lẫn giá phòng, đặc biệt là ở phân khúc khách sạn 5 sao. Nguyên nhân chủ yếu do tình trạng thiếu nguồn cung khách sạn.

Cụ thể, báo cáo của Savills Việt Nam cho thấy, hoạt động của phân khúc 5 sao đóng góp lớn vào việc tăng công suất trung bình 4 điểm % theo quý và 10 điểm % theo năm của thị trường khách sạn tại Hà Nội.

 Biểu đồ Hoạt động thị trường khách sạn.

Cùng với công suất tăng, giá phòng bình quân cũng tăng 21% theo quý và 41% theo năm do sự tăng giá của tất cả các phân khúc. Doanh thu phòng trung bình tăng 28% theo quý và 64% theo năm.

Theo ghi nhận của Savills, nguồn cung thị trường khách sạn Hà Nội hầu như không đổi theo quý nhưng giảm -4% theo năm.

Trong khi đó, theo Cục Thống kê Hà Nội, trong quý I/2017, lượng khách quốc tế đến Hà Nội đạt 1,3 triệu lượt, tăng 10% theo năm.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến khách sạn tại Hà Nội hoạt động hết công suất, đồng thời, kéo giá phòng tăng lên.

Savills dự báo, trong năm 2017, hơn 900 phòng khách sạn tại Hà Nội sẽ đi vào hoạt động. Đây không phải là một con số lớn nên khả năng thị trường khách sạn Hà Nội vẫn duy trì được công suất và giá phòng cao trong thời gian tới.

Tình trạng thiếu nguồn cung khách sạn tại Hà Nội đã diễn ra trong một vài năm trở lại đây, đặc biệt là khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng ngày càng tăng.

 Hình minh họa.

Tại Hội nghị “Gặp gỡ các cơ quan quản lý, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch” do UBND TP Hà Nội tổ chức mới đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, Hà Nội cần khắc phục 3 vấn đề để thúc đẩy du lịch phát triển. Đó là định vị phát triển sản phẩm, quảng bá xúc tiến thương hiệu và phát triển cơ sở lưu trú.

Ông Tuấn cho biết, theo thống kê, từ tháng 11/2011 cho đến nay, trên địa bàn Thủ đô Hà Nội chỉ có thêm 4 khách sạn 4-5 sao, gồm: Khách sạn Marriott, Apricot, khách sạn và căn hộ khu vực Landmark - Keang Nam và khách sạn căn hộ khu vực Lotte; với tổng số phòng 1.200 phòng. Trong khi đó, nhiều địa phương khác đã có các tổ hợp lưu trú quy mô lớn từ 4.000 – 6.000 phòng. “Bởi, với lượng khách quốc tế đến Hà Nội tăng trưởng trên 10% như hiện nay đã khiến Thủ đô có phần lúng túng về cơ sở lưu trú cao cấp. Nếu mức tăng là 30% thì vấn đề sẽ trở nên phức tạp”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Về vấn đề phát triển cơ sở lưu trú, ông Đỗ Đình Hồng – Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, Hà Nội đã quy hoạch một số địa điểm để xây dựng khách sạn cao cấp đáp ứng nhu cầu phát triển của du lịch, từ nay đến 2020 Hà Nội sẽ có thêm 4- 5 khách sạn 5 sao để phục vụ nhu cầu lưu trú của du khách. 

Trước đó, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã đưa ra mục tiêu: Trong 5 năm tới, thành phố sẽ xây thêm 20 khách sạn cao cấp, tương đương với khoảng 20.000 phòng lưu trú; gần bằng tổng số phòng khách sạn cao cấp  của Hà Nội hiện nay. Đây cũng là một trong những yếu tố cơ bản để biến du lịch thành ngành công nghiệp mũi nhọn của Hà Nội.

Các địa điểm dự kiến xây dựng khách sạn tại khu vực quận Hoàn Kiếm (gần Hồ Gươm) như: 22-32 Lý Thái Tổ; 22-24 Hàng Bài; 39 Hai Bà Trưng. Bên cạnh đó, Tổng Công ty Du lịch Hà Nội đang nghiên cứu xây dựng khách sạn tại số 1 Bà Triệu; cải tạo lại khách sạn Hòa Bình…

Thành phố cũng dự kiến xây khách sạn quy mô trên 300 phòng tại khu vực đầu phố Thái Hà (quận Đống Đa), khách sạn 500 phòng tại Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm), khách sạn hơn 300 phòng tại Thụy Khuê (quận Ba Đình), khách sạn 600 phòng (huyện Đông Anh)...