Vì sao quốc gia EU ra tối hậu thư về viện trợ tương lai cho Ukraine?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngoại trưởng Hungary cho rằng Kiev đang thể hiện thái độ "ngày càng hiếu chiến" đối với Budapest.

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto. Ảnh: Getty
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto. Ảnh: Getty

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Vienna ngày 17/5, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto tuyên bố Budapest sẽ không ủng hộ việc phân bổ thêm viện trợ của Liên minh châu Âu (EU) cho Ukraine, trừ khi Kiev từ bỏ thái độ “ngày càng thù địch” đối với nước này.

Theo đài RT của Nga, cảnh báo này được đưa ra sau khi chính phủ Hungary bất ngờ chặn gói viện trợ thứ 8 trị giá 500 triệu euro (544 triệu USD) từ Quỹ Hòa bình châu Âu (EPF) để các quốc gia thành viên EU mua vũ khí cung cấp cho Ukraine.

EPF là một quỹ trị giá 5,6 tỷ euro (6,08 tỷ USD) mà EU sử dụng để tài trợ cho quân đội nước ngoài và bồi hoàn cho các thành viên chấp nhận gửi vũ khí cho các cuộc xung đột ở nước ngoài.

Lý do mà Budapest đưa ra là họ cần nhận được "sự đảm bảo" rằng tiền quỹ của EPF sẽ không được sử dụng riêng để viện trợ cho Ukraine trong tương lai mà cần mang tính toàn cầu.

Quyết định mới nhất của Hungary đã giáng đòn mạnh mẽ vào Ukraine trong bối cảnh Kiev đang nỗ lực kêu gọi phương Tây chuyển thêm vũ khí cho chiến dịch phản công như dự kiến.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần kêu gọi phương Tây cung cấp cho Kiev vũ khí hạng nặng hơn và nhiều đạn dược hơn trước cuộc phản công chống lại Nga.

Ông Zelensky đã đi thăm một loạt nước châu Âu như Italia, Đức, Anh và Pháp trong những ngày gần đây và nhận được nhiều lời hứa viện trợ hơn nữa từ cả bốn nước. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Ukraine vẫn khẳng định Ukraine cần máy bay chiến đấu và tên lửa tầm xa hơn để thực hiện cam kết giành lại các vùng lãnh thổ đã mất kiểm soát, gồm Kherson, Zaporozhye, Donetsk, Lugansk và cả Crimea.

Cũng tại cuộc họp báo, Ngoại trưởng Szijjarto đã chỉ rõ một số vấn đề nổi cộm giữa Hungary và Ukraine, bao gồm việc xếp ngân hàng cho vay lớn nhất của Hungary OTP Bank Nyrt vào danh sách "các nhà tài trợ chiến tranh quốc tế" vì duy trì quan hệ kinh doanh với Nga.

Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Hungary, OTP Bank Nyrt “không vi phạm bất kỳ luật nào ở Ukraine, không vi phạm bất kỳ luật quốc tế nào, cũng như không vi phạm bất kỳ biện pháp trừng phạt nào”.

Do đó, Ngoại trưởng Szijjarto khẳng định nếu Ukraine tiếp tục để OTP Bank Nyrt trong danh sách các nhà tài trợ chiến tranh quốc tế thì Budapest không thể ủng hộ các quyết định đòi hỏi sự hy sinh kinh tế và tài chính mới từ phía EU và các quốc gia thành viên.

Ngoài ra, các vấn đề khác được Ngoại trưởng Hungary liệt kê bao gồm cáo buộc rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lên kế hoạch cho nổ tung một đường ống dẫn dầu nối Nga với Hungary qua lãnh thổ Ukraine cũng như việc Kiev hạn chế quyền giáo dục đối với người dân tộc thiểu số Hungary.

Hồi cuối năm ngoái, Hungary đã tác động làm đình lại một đợt viện trợ kinh tế trị giá 18 tỷ euro (19,5 tỷ USD) cho Ukraine, mà khối này vay từ thị trường toàn cầu. Thủ tướng Viktor Orban lập luận rằng làm như vậy, EU sẽ trở thành người "mắc nợ" Ukraine. Tuy nhiên, sau đó, ông Orban đã đổi ý sau khi EU dỡ bỏ lệnh đóng băng mà khối này áp đặt đối với tiền trợ cấp dành cho Hungary.

Thủ tướng  Hungary Viktor Orban. Ảnh: AP
Thủ tướng  Hungary Viktor Orban. Ảnh: AP

Vào tháng 1 năm nay, chính quyền Budapest cũng đã chặn việc cung cấp đợt vũ khí thứ bảy từ Quỹ Cơ sở Hòa bình cho Ukraine, mặc dù gói này đã được phê duyệt vài tuần sau đó.

Hungary có lập trường trung lập về các hành động thù địch đang diễn ra giữa Nga và Ukraine, từ chối cung cấp viện trợ quân sự cho Kiev hoặc cho phép quá cảnh từ lãnh thổ nước này. Hungary cũng liên tục phản đối các biện pháp trừng phạt chống Nga của EU, đặc biệt là những biện pháp có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế của chính Hungary, bao gồm cả các lĩnh vực năng lượng hạt nhân và truyền thống.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần