Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao Sơn La đưa được nhiều nông sản hàng hoá vào siêu thị và xuất khẩu

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Nhiều đơn vị, cá nhân đưa sản phẩm hàng hóa nông sản vào siêu thị Big C và các siêu thị khác đang gặp rất nhiều khó khăn. Thế nhưng, trong 2 năm trở lại đây tỉnh Sơn La đã có nhiều sản phẩm hàng hóa đưa được vào chuỗi giá trị. Thành công này là nỗ lực của cả các cấp đến sự thay đổi tư duy sản xuất của các hộ, Hợp tác xã.

Chung tay của nhà nước
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La tại Tuần lễ xoài và nông sản Sơn La tại Big C: Từ năm 2018, tỉnh Sơn La đã tổ chức định kỳ các sự kiện Tuần hàng nông sản tại Siêu thị Big C Thăng Long Hà Nội, gồm: Xoài, nhãn, dâu tây, cá sông Đà và các mặt hàng nông sản, đặc sản thế mạnh của tỉnh.
 Trái cây Sơn La được trồng theo vùng chuyên canh hàng hóa. Nhiều loại trái cây được xây dựng thương hiệu bằng chỉ dẫn địa lý.

Để vào được hệ thống siêu thị hiện đại lớn nhất Việt Nam, từ năm 2016 tỉnh Sơn La đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, xây dựng chuỗi nông sản từ vùng trồng đến nơi tiêu thụ an toàn, bền vững. Cụ thể, tỉnh tập trung chỉ đạo các hộ, Hợp tác xã (HTX) đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả trên 1 đơn vị diện tích đất canh tác; Tập trung hình thành các HTX, liên hiệp HTX sản xuất nông nghiệp nhằm giúp chính quyền kiểm soát các hộ thành viên thực hiện qui trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm an toàn; Hoàn thiện các chuỗi sản xuất nông sản bền vững, với việc thu hút các tập đoàn kinh tế, DN liên kết với các HTX đầu tư nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu, đưa sản phẩm vào chuỗi tiêu thụ tại các siêu thị, trung tâm thương mại trong nước và xuất khẩu.
 Diện tích cây ăn quả phát triển mạnh chỉ trong hơn 3 năm tỉnh Sơn La có chủ trương phát triển cây ăn quả hàng hóa an toàn.

 Lãnh đạo tỉnh Sơn La luôn đồng hành cùng nông dân trong sản xuất và quảng bá sản phẩm. Tại Tuần lễ xoài Sơn La đang diễn ra ở Big C Thăng Long, Hà Nội.

Với những nỗ lực kể trên, năm 2018 diện tích cây ăn quả của tỉnh Sơn La đạt 58.824 ha, tăng trên 149% so với năm 2015, với khoảng trên 84.000 hộ, 445.380 nhân khẩu tham gia sản xuất trồng cây ăn quả, chiếm 37% dân số toàn tỉnh. Trong đó, nhãn đạt 14.659 ha, xoài 11.580 ha, sơn tra 11.365 ha, chanh leo 1.390 ha, bơ 1.022 ha và các cây ăn quả có múi khách đạt 3.488 ha, ngoài ra còn có dâu tây, các loại củ, quả, rau xanh… Sản lượng các loại trái cây năm 2018 của Sơn La đạt 218.026 tấn, tăng trên 115% so với năm 2015.
Nông dân thay đổi tư duy
Chị Nguyễn Thị Phiên, xã viên HTX Tiến Thành, huyện Sình Hồ, Sơn La cho biết: Gia đình chị đã chuyển đổi đất canh tác sang trồng xoài năm thứ 4 theo chỉ đạo của chính quyền địa phương. Năm 2018, diện tích trồng xoài của gia đình chị thực hiện theo quy trình VietGap. Bán sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap được giá và bán nhanh hơn so với sản xuất bình thường.
 Ông Nguyễn Văn Tiến giới thiệu với khách hàng về sản phẩm măng tây.
 Xoài có dán tem truy xuất nguồn gốc.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Chủ nhiệm HTX Tiến Thành, chia sẻ: HTX có 4 sản phẩm đưa về Tuần lễ xoài tại Big C năm 2019. Đây là lần thứ 3 ông cùng một số xã viên thay mặt HTX đưa sản phẩm nông sản an toàn về Hà Nội tiêu thụ. Theo ông, qua những lần quảng bá sản phẩm trước, bà con Thủ đô rất thích tiêu dùng hàng nông sản đem từ Sơn La về. Chủ trương của tỉnh và huyện vẫn đang định hướng phát triển thêm diện tích cây ăn quả. Ông đã cùng với xã viên HTX xây dựng được 3 loại cây ăn quả sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap gồm xoài, nhãn, cam. Trước kia các diện tích trồng cây ăn quả của HTX chỉ để trồng ngô, thu nhập thấp. Khi nông dân và người quản lý HTX thay đổi tư duy đã nâng cao giá trị thu nhập mỗi diện tích đất canh tác gấp từ 3-4 lần so với trước.
Cùng với việc tổ chức sản xuất, tỉnh Sơn La còn tổ chức cho nông dân, các DN, HTX quảng bá sản phẩm theo mùa vụ. Sản phẩm nào đã xây dựng được khu vực sản hàng hóa, đạt các tiêu chuẩ về ATTP sẽ được tình đưa đi giới thiệu với các địa phương và siêu thị. Nhờ đó, các diện tích nông sản của Sơn La sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP liên tục tăng, nhưng không có sản phẩm ế thừa theo kiểu “được mùa, mất giá” như thường thấy.
Năm 2015 Sơn La mới chỉ có 7 đơn vị, với diện tích 126 ha sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP. Năm 2018, số lượng này đạt có 41 đơn vị, tăng 485,7% so với năm 2015, diện tích đạt 549 ha, tăng 335,7% so với năm 2015.
 
 
Năm 2015, Sơn La chỉ có xoài tròn Yên Châu được bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý. Năm 2018, toàn tỉnh có 17 sản phẩm nông sản, thực phẩm có thương hiệu. Năm 2019, tỉnh đang xây dựng tiếp 7 thương hiệu nông sản.
Nhờ những kết quả kể trên, nông sản của Sơn La không chỉ vào được các chuỗi giá trị trên cả nước mà còn được xuất khẩu. Năm 2018, giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu đạt 115 triệu USD, với 16 loại nông sản, thực phẩm, đạt 17.511 tấn trái cây các loại vào thị trường 12 nước là những thị trường khó tính như: Úc, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và một số nước Trung Đông… tăng 14,7 lần so với 2017. Trong đó xuất khẩu chính ngạch tăng 15,9 lần so với năm 2017.
 Bưởi diễn được trồng tại Sơn La thu hái từ cuối năm 2018. Người Sơn La đã biết cách để tự nhiên, không dùng thuốc bảo quản, đảm bảo an toàn thực phẩm, nhưng bưởi vẫn tươi đẹp.

Với cách làm hiệu quả này, năm 2019 tỉnh Sơn La tiếp tục triển khai định hướng xây dựng vùng nguyên liệu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy trình sản xuất an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Tỉnh phấn đấu giá trị xuất khẩu nông sản đạt trên 150 triệu USD, tăng 30% so với năm 2018. Tập trung và xoài, nhãn, chanh Leo, thanh Long, Sơn Tra ...
Như vậy, với sự chung tay của cấp ủy, chính quyền liên tục theo đuổi sự chuyển dịch của nông dân từ xây dựng vùng trồng, khâu sản xuất, cho đến đưa hàng hóa vào chuỗi đã giúp cho nông sản của Sơn La không khó có được thương hiệu trong lòng người tiêu dùng cả nước mà còn chinh phục được khách hàng khó tính ở nước ngoài.