Vì sao tai nạn giao thông nghiêm trọng do xe kinh doanh vận tải liên tiếp xảy ra?

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 27/8, tại Văn phòng Chính phủ đã diễn ra cuộc họp bàn về giải pháp giảm thiểu TNGT đường bộ liên quan đến ô tô kinh doanh vận tải. Cuộc họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Trương Hòa Bình.

Vụ lật xe ở Quảng Bình là một trong những vụ TNGT liên quan đến xe kinh doanh vận tải nghiêm trọng nhất xảy ra trong thời gian vừa qua. (Ảnh: Hòa Thắng).
Điểm mặt những “thủ phạm” chính
Tại cuộc họp, Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, tình hình TNGT trong 8 tháng đầu năm 2020 đã giảm cả 3 tiêu chí. Đây là tín hiệu rất đáng mừng khi công tác đảm bảo trật tự, ATGT đã ngày càng có hiệu quả, TNGT ngày càng được kéo giảm.
Tuy nhiên, một vấn đề phát sinh đang lo ngại được Ủy ban ATGT quốc gia chỉ ra, đó chính là nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe hoạt động kinh doanh vận tải (xe tải, xe chở khách, xe container) đã liên tiếp xảy ra trong khoảng thời gian từ đầu tháng 6 đến đầu tháng 8/2020. Những vụ TNGT này làm chết và bị thương nhiều người khiến dư luận lo lắng, bức xúc.
Điển hình là các vụ TNGT tại Đắk Nông ngày 13/6 làm 5 người chết, 5 người bị thương; tại Kon Tum ngày 11/7 làm 6 người chết, 35 người bị thương; tại Bình Thuận ngày 21/7 làm 8 người chết, 7 người bị thương. Nghiêm trọng nhất là vụ TNGT ngày 26/7 tại Quảng Bình làm 15 người chết, 22 người bị thương và mới đây nhất là vụ TNGT tại quận Long Biên (Hà Nội) ngày 4/8 làm 3 người chết và 1 người bị thương.
Qua phân tích các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng thời gian qua, cơ quan chức năng nhận thấy, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ tai nạn trên là do hành vi vi phạm quy định pháp luật về trật tự ATGT của lái xe, chủ xe như lái xe vi phạm tốc độ, vi phạm nồng độ cồn (vụ TNGT ở Quảng Bình), đi sai phần đường (vụ TNGT tại Bình Thuận), lái xe không có GPLX phù hợp với loại phương tiện theo quy định (vụ TNGT tại Bình Thuận, Quảng Bình).
Làm rõ trách nhiệm doanh nghiệp kinh doanh vận tải
Phó Thủ tướng Thường trực, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Trương Hòa Bình cho biết, nguyên nhân cơ bản dẫn đến các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe kinh doanh vận tải trong thời gian qua là sự buông lỏng, thiếu trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh vận tải.
Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ trách nhiệm doanh nghiệp kinh doanh vận tải trong các vụ TNGT. (Ảnh: Lê Thanh).
“Việc này chúng ta nhắc đi, nhắc lại nhiều lần. Nhưng từ đó đến nay, tôi chưa nhận được bất kỳ báo cáo nào của Ủy ban ATGT quốc gia, Bộ Công an, Bộ GTVT hay địa phương về một trường hợp chủ phương tiện, chủ doanh nghiệp bị xử lý hình sự do vi phạm quy định về đảm bảo ATGT trong kinh doanh vận tải, để xảy ra TNGT có hậu quả nghiêm trọng trở lên. Không thể nói các chủ doanh nghiệp thực sự vô can khi để lái xe nghiện ma túy, ép lái xe không có bằng lái đúng loại xe. Do đó, cần làm rõ vấn đề này” - Phó Thủ tướng yêu cầu.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu cần xác định trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, tình hình xảy ra như trên có trách nhiệm quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương.
“Tôi đã giao cho các bộ, ngành, địa phương đi kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, nhưng việc này làm chưa quyết liệt, trật tự lòng lề đường, hành lang ATGT chưa bảo đảm. Đề nghị các cấp, các ngành làm quyết liệt hơn, ngay quý 3 có báo cáo kết quả cụ thể” - Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ năng lực của lực lượng chức năng cũng như việc phân công, phân cấp trong tuần tra, kiểm soát của các lực lượng như thế nào. Theo Phó Thủ tướng, lực lượng chức năng được tổ chức đông đảo, thường xuyên tổ chức các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát nhưng các vụ TNGT nghiêm trọng vẫn xảy ra, thậm chí ngay trong cao điểm tuần tra, kiểm soát, mà đối tượng chính là xe kinh doanh vận tải. Đây là điều bất thường cần được làm rõ.
Những giải pháp cấp bách
Để khắc phục, hạn chế TNGT nói chung và TNGT liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô nói riêng, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đề ra các giải pháp cụ thể.
Thứ nhất, giao Bộ GTVT báo cáo về việc kiểm tra các doanh nghiệp có lái xe điều khiển gây TNGT từ tháng 1/2019 đến tháng hết 7/2020; chú trọng xử lý đối với vi phạm của chính phương tiện gây TNGT và kiến nghị xử lý cơ quan cấp giấy phép doanh nghiệp vận tải. 
Thứ hai, giao Bộ Công an báo cáo về xử lý trách nhiệm của chủ phương tiện, chủ cơ sở sở kinh vận tải có lái xe gây ra tai nạn nghiêm trọng từ tháng 1/2019 đến hết tháng 7/2020. Yêu cầu 2 Bộ gửi báo cáo trước ngày 15/9 tới Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia.
Phó Thủ tướng yêu cầu lực lượng công an duy trì tuần tra kiểm soát đối với xe tải, xe khách trong khoảng thời gian từ 21 giờ đêm đến 5 giờ sáng; gắn trách nhiệm người đứng đầu đơn vị phụ trách, quản lý các tuyến đường; xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức làm giả giấy khám sức khỏe, giấy phép lái xe.
Với UBND các tỉnh, TP, Phó Thủ tướng yêu cầu tổ chức ra quân lập lại trật tự lòng, lề đường, đặc biệt là các tuyến quốc lộ. Xử lý nghiêm đối với tổ chức cá nhân có hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra sai phạm dẫn đến TNGT nghiêm trọng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần