Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao Việt Nam được đánh giá là quốc gia hạnh phúc?

Phương Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo nghiên cứu và công bố về Chỉ số Hạnh phúc của một số tổ chức quốc tế những năm gần đây, Việt Nam luôn được xếp ở tốp đầu trong danh sách các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Và hướng đến kỷ niệm Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, nhiều người đàm luận về tính xác thực của các đánh giá này.

Nền tảng văn hóa tinh thần

Ngày Hạnh phúc được lấy từ ý tưởng của Bhutan - Vương quốc bé nhỏ nằm sâu trong lục địa miền đông Himalayas, vốn được đánh giá là nước có chỉ số hạnh phúc cao dựa trên các yếu tố như sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân.
Việt Nam được đánh giá là quốc gia hạnh phúc. Ảnh: Lại Tấn
Theo tổ chức nghiên cứu kinh tế - xã hội New Economics Foundation có trụ sở chính tại Vương quốc Anh, Việt Nam là quốc gia có chỉ số hành tinh hạnh phúc (HPI) đứng thứ 5 thế giới, thứ 2 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Còn báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2018 (2018 World Happiness Report) của Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững Liên Hợp quốc, Việt Nam lại đứng thứ 95 trong bảng xếp hạng.
Nhìn nhận về chỉ số hạnh phúc được quốc tế công bố về người Việt Nam, TS Trịnh Hòa Bình khẳng định: “Tôi cho rằng chỉ số hạnh phúc mà các tổ chức quốc tế công bố họ dựa trên nhiều tiêu chí như GDP bình quân đầu người tính theo sức mua ngang giá, số năm sống khỏe mạnh so với tuổi thọ trung bình, hỗ trợ xã hội, tự do lựa chọn đời sống... Bhutan nổi tiếng là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới mặc dù nền kinh tế của họ không mấy phát triển. Để người dân sống hạnh phúc thực sự, quốc gia đó không nhất thiết phải giàu có, phát triển. Quan trọng là người dân ở đó có thể sống thoải mái. Một đất nước hạnh phúc là nơi người dân luôn cảm thấy họ sống có ích, muốn chia sẻ và cống hiến cho cộng đồng. Theo tôi Việt Nam được thế giới đánh giá cao về chỉ số hạnh phúc là nhìn từ những giá trị văn hóa tinh thần, nền tảng đạo đức cũng như truyền thống”.
Người dân hạnh phúc, xã hội giảm tệ nạn

Nhìn nhận về băn khoăn trước tình trạng ly hôn, ly thân, sống thử, tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em... có làm giảm đi chỉ số hạnh phúc hiện tại, các chuyên gia cũng cho rằng nên đánh giá chỉ số hạnh phúc ở số đông chứ không đi vào những vụ việc mang tính cá biệt trong đời sống.
TS Trịnh Hòa Bình nhận định: “Củng cố niềm tin đối với dân, làm tốt công tác an sinh xã hội là những nỗ lực đáng được ghi nhận đối với công tác chỉ đạo, điều hành của Việt Nam thời gian gần đây. Điều này thể hiện rất rõ trong công tác phòng chống tham nhũng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay đã được Đảng, Nhà nước chỉ đạo ráo riết, quyết liệt, có một bước tiến mạnh, tham nhũng đang từng bước bị đẩy lùi, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước...”.
TS Trịnh Hòa Bình cho rằng một xã hội mà luật pháp nghiêm minh, nghiêm trị những hành vi không minh bạch, đảm bảo cho quyền lợi của người dân, tạo niềm tin trong dân, là cơ sở bền vững cho sự phát triển hạnh phúc của toàn xã hội nói chung, của cá nhân người dân nói riêng. Từ trong gốc rễ, nếu người dân thực sự hạnh phúc thì xã hội sẽ ít tệ nạn hơn.

Năm 2014 là năm đầu tiên Việt Nam chính thức tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc. Người dân hồ hởi với những chủ đề yêu thương, chia sẻ được gắn bó qua từng năm. Nhiều ý kiến thống nhất rằng, Việt Nam hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc cũng như những nỗ lực trong công tác tuyên truyền của các cơ quan có trách nhiệm đã giúp cho người dân ý thức rõ ràng hơn, cụ thể hơn về những tiêu chí để đạt tới hạnh phúc thật sự. Về căn bản, hạnh phúc thực sự dựa trên tiêu chí yêu cầu thiết yếu nhất của người dân là được bảo đảm, được thỏa mãn, ví dụ: An toàn trong môi trường xã hội, những dịch vụ cơ bản trong cuộc sống như y tế, giáo dục được đáp ứng thiết thực nhất.

Hạnh phúc là cảm nhận chủ quan của con người, là sự thỏa mãn của con người trong các mối quan hệ với môi trường sống xung quanh: Môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và môi trường nội tâm của chính bản thân mỗi người. Hạnh phúc là đầu ra của toàn bộ quá trình phấn đấu của con người với tư cách là một cá nhân, một thành viên của cộng đồng, quốc gia. Hạnh phúc luôn vận động và biến đổi trong không gian và theo thời gian, đó là cả một quá trình, là mục tiêu của cuộc sống con người, mục tiêu của sự phát triển.