Lý giải về việc này, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng cục Y tế dự Phòng, chuyên gia cao cấp của Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) cho rằng, không phải tất cả những người đi từ vùng dịch (TP Vũ Hán, Trung Quốc) về là đều mắc bệnh.
“Về nguyên tắc, chúng ta chỉ cách ly những trường hợp có triệu chứng bệnh, còn không phải không có triệu chứng bệnh mà chúng ta không theo dõi hoặc thực hiện các biện pháp khác để hạn chế nếu người ta mắc bệnh thì người ta lây lan cho cộng đồng” - ông Phu nói.
Chuyên gia cũng phân tích rằng, có một số lý do có lợi, thứ nhất khi đưa họ đến bệnh viện, nếu họ không mắc bệnh có thể họ sẽ bị nhiễm các bệnh khác. Đặc biệt, trong lúc tình hình lây bệnh của nCoV như này.
PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng cục Y tế dự Phòng, chuyên gia cao cấp của Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế). |
Thứ hai, nếu cứ cách ly như thế thì nước ta lấy đâu ra những cơ sở cách ly cộng đồng. Để theo dõi những trường hợp như vừa nêu, Bộ Y tế đã tham mưu Chính phủ, yêu cầu khai báo tất cả những trường hợp đi từ Trung Quốc về chứ không phải đi từ vùng dịch về, khai báo ngay cho các cơ sở y tế. Trong mẫu khai báo đó, có tất cả những thông tin có thể theo dõi được diễn biến về bệnh tật của họ.
Tiếp đó, ngành y tế cũng đã khuyến cáo, các trường hợp đi từ vùng dịch về là cách ly tại nhà hoặc tiếp xúc với với những người đi từ vùng dịch về. Thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, như đeo khẩu trang, tiếp xúc với người nhà phải cách xa, vệ sinh khử khuẩn tại nhà. Đặc biệt khi có triệu chứng, phải đến ngay cơ sở y tế, báo ngay cho cơ sở y tế.
“Đây là giải pháp phù hợp nhất và tốt nhất hiện nay, kể cả các bệnh dịch khác để chúng ta quản lý được những người lây nhiễm trong cộng đồng. Trong hệ thống giám sát của ngành y tế hiện nay cũng đang chú ý tất cả những điều tra dịch tễ khi có những người có liên quan như tài xế, nhân viên khách sạn tiếp xúc với những người bị bệnh ở vùng dịch về, cách kiểm soát như thế là hợp lý” - ông Phu chia sẻ.
Nhiều người dân cũng tỏ ra quan ngại khi 3 người Việt từ Vũ Hán trở về dương tính với nCoV tiếp xúc với rất nhiều người trước đó. Tuy nhiên, PGS.TS Trần Đắc Phu khẳng định, 3 người nhiễm nCoV về cơ bản Bộ Y tế cũng đã kiểm soát được. Bởi ngành y tế có hệ thống giám sát của Viện Vệ sinh dịch tễ, các trung tâm kiểm soát, các cơ sở trong cộng đồng để giám sát những người có tiếp xúc có các triệu chứng phải khai báo hoặc tự cách ly tại nhà. Đặc biệt vừa qua, báo chí cũng đã cung cấp cho những người tiếp xúc với những người nhiễm bệnh họ biết để phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng.
WHO đã ban bố tình trạng y tế khẩn cấp, gây quan ngại sức khỏe cộng đồng nghĩa là khả nang lây lan rất lớn. Ngày 1/2, Thủ tướng Chính phủ đã công bố dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) tại các tỉnh Khánh Hòa, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc.
Qua nhận định, việc lây từ người sang người là hiển nhiên. Đặc biệt là ở Việt Nam, nguy cơ rất cao hơn các nước khác. Vì Việt Nam có đường biên giới rất lớn với Trung Quốc. Sự giao lưu giữa Việt Nam và Trung Quốc về con người, thương mại rất lớn.
Nhưng việc dịch có lan rộng, phát triển hay không lại phụ thuộc vào sự quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và người dân trong phòng, chống dịch bệnh. Nhận định là nguy cơ rất lớn nhưng chuyên gia cũng mong dịch đừng đến theo nguy cơ đó, mà trên cơ sở cả nước cần chung tay tham gia, quyết liệt để hạn chế dịch không lan rộng, nhưng cần chờ đợi theo dõi tiếp.
PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, đợt dịch này, Việt Nam rất quyết liệt, từ T.Ư, Ban Bí thư, Thủ tướng và người dân. Trước đó, Việt Nam đã có kinh nghiệm trong phòng chống dịch SARS, MERS, nhưng cũng có những khó khăn. Vì năm 2002, 2003 tính chất toàn cầu không như hiện nay. “Chỉ trong 24 giờ dịch từ quốc gia xa nhất đi vào Việt Nam và trong vòng 1-2 tiếng có thể miền Nam ra miền Bắc và ngược lại. Việt Nam đã ban hành kế hoạch và trong kế hoạch đó đáp ứng từng thời điểm dịch như: Khi dịch chưa xâm nhập vào, dịch xâm nhập vào ra sao…” - ông Phu nói.
Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Việt Nam chủ động ở mức cao hơn một chút. Nhưng, chuyên gia cũng lưu ý, vấn đề quan trọng là Việt Nam phân tích tình hình dịch và đáp ứng một cách hợp lý.
Là người chống dịch trong nhiều năm, PGS.TS Trần Đắc Phu thấy rằng, chống dịch phải có sự đồng bộ, quyết liệt từ T.Ư đến địa phương, cơ sở, đến người dân. Tránh trường hợp “trên nóng dưới lạnh”. Thời gian qua, T.Ư đã rất quyết liệt, chuyên gia hy vọng các địa phương, người dân đồng lòng trong việc hợp tác với ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch.