Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì sao Vietnam Airlines vẫn lỗ dù doanh thu tăng liên tục?

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bất chấp việc doanh thu tăng trong 7 quý liên tiếp, Vietnam Airlines vẫn đang lỗ hơn ngàn tỷ sau thuế. Nếu tình hình kinh doanh không được cải thiện, hãng bay này hoàn toàn có thể đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yên cổ phiếu.

Thị trường nội địa khởi sắc giúp doanh thu của Vietnam Airlines liên tục tăng trong thời gian qua.
Thị trường nội địa khởi sắc giúp doanh thu của Vietnam Airlines liên tục tăng trong thời gian qua.

Doanh thu tăng nhưng vẫn lỗ

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa thông tin về kết quả kinh doanh trong quý II/2023. Theo đó, kết thúc quý II/2023, tổng doanh thu của Vietnam Airlines  từ bán hàng và cung cấp dịch vụ là 20.696 tỷ đồng, cao hơn 12,3% so với cùng kỳ năm 2022. Nếu tính lũy kế 6 tháng đầu năm, Vietnam Airlines đạt doanh thu hơn 44.000 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ. Lãi gộp đạt gần 2.900 tỷ.

Sở dĩ doanh thu trong quý II/2023 tăng như vậy là nhờ sản lượng vận chuyển tăng 23,6% nhờ thị trường khu vực châu Âu, Úc và Mỹ phục hồi tốt. Trong kỳ, hãng hàng không quốc gia ghi nhận chi phí bán hàng tăng 45%, lên 959 tỷ đồng và chi phí quản lý DN tăng 7%, lên 497 tỷ đồng. Riêng chi phí tài chính giảm 37%, xuống 723 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, doanh thu đến từ hoạt động tài chính đạt 93 tỷ đồng, giảm 33%.

Được biết, đây là quý thứ 7 liên tiếp doanh thu của hãng tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, cho thấy xu thế hồi phục của thị trường hàng không sau dịch, cũng như những nỗ lực của hãng nhằm cải thiện kết quả kinh doanh.

Mặc doanh thu tăng mạnh trong quý II/2023 nhưng Vietnam Airlies vẫn báo lỗ 1.295 tỷ đồng. Đây là kết quả có được sau khi hạch toán hết các khoản chi phí. Theo Vietnam Airlines, tổng chi phí của công ty mẹ tăng 11% (tương đương tăng 1.676 tỷ đồng), chủ yếu do chi phí giá vốn đi lên tương ứng với sản lượng.

Bên cạnh đó, tốc độ tăng tổng doanh thu và thu nhập khác của quý II/2023 nhanh hơn so với tốc độ tăng tổng chi phí, dẫn đến công ty mẹ Vietnam Airlines lãi gộp về cung cấp dịch vụ đạt hơn 558 tỷ đồng và lỗ sau thuế giảm hơn 1.031 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Dù doanh thu tăng song tình hình kinh doanh của Vietnam Airlines vẫn ảm đạm và lỗ liên tục.
Dù doanh thu tăng song tình hình kinh doanh của Vietnam Airlines vẫn ảm đạm và lỗ liên tục.

Lỗ liên tục

Đây không phải lần đầu tiên Vietnam Airlines kêu lỗ trong hoạt động kinh doanh. Trước đó, vào cuối năm 2022, khi thị trường hàng không nội địa khởi sắc thì Vietnam Airlines vẫn báo lỗ.

Cụ thể, theo công bố của hãng, trong 8 tháng đầu năm 2022, dù đã giảm lỗ được 1.440 tỉ đồng Vietnam Airlines tiếp tục dự kiến lỗ cả năm 2022 gần bằng số lỗ kế hoạch mà cổ đông thông qua là 9.335 tỉ đồng.

Nguyên nhân được hãng lý giải do thị trường bay quốc tế lúc bấy giờ chưa phục hồi khiến đội bay chỉ khai thác 75%, cộng thêm lỗ lũy kế các năm trước khiến hãng này chưa thoát lỗ. Trong khi đó, dù thị trường bay nội địa đã khởi sắc song tốc độ tăng trưởng chưa thật sự cao.

Theo tính toán của hãng, thị trường hàng không nội địa từ tháng 4/2022 khách bắt đầu tăng hơn so với cùng kỳ 2019, đến tháng 7/2022 lượng khách tăng hơn 40% so với 2019, nhưng đến tháng 8/2022 chỉ cao hơn 35% so với tháng 8/2019.

 

Vietnam Airlines lý giải do tính mùa vụ cũng như các yếu tố rủi ro tài chính (tỷ giá, lãi suất) và chi phí đầu vào như giá nhiên liệu gia tăng... nên tổng công ty vẫn chưa có lãi. Ngoài ra, quý II là quãng thời gian thấp điểm trong hoạt động sản xuất kinh doanh nên kết quả không khả quan bằng quý I.

Ngoài ra, sự phục hồi của bay nội địa diễn ra chủ yếu ở 2 nhóm đường bay du lịch và một số đường bay địa phương cộng với việc giá vé máy bay còn thấp cũng là những nguyên nhân khiến bức tranh tăng trưởng chung của thị trường bay nội địa chưa thật sự ấn tượng.

Kết quả thua lỗ trong kinh doanh diễn ra liên tục trong nhiều năm khiến cho cổ phiếu của Vietnam Airlines có nguy cơ bị hủy niêm yết.

Theo quy định, DN nào có quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét thì cổ phiếu công ty đại chúng sẽ bị hủy niêm yết.

Chiếu theo quy định trên, Vietnam Airlines đã chính thức thuộc diện cổ phiếu bị hủy niêm yết. Trên thực tế, vào tháng 9/2022, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) đã đưa ra cảnh báo cổ phiếu HVN có thể bị hủy niêm yết nếu lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ âm hoặc vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines âm. Theo báo cáo tự lập, Vietnam Airlines lỗ khoảng 10.400 tỷ đồng.

Mới đây nhất, vào đầu năm 2023, HoSE lại một lần nữa đưa ra cảnh báo về nguy cơ huỷ niêm yết cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines nếu lãi sau thuế công ty mẹ âm tại báo cáo kiểm toán 2022.

Nếu tiếp tục để lỗ kéo dài, Vietnam Airlines hoàn toàn có thể đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết cổ phiếu.
Nếu tiếp tục để lỗ kéo dài, Vietnam Airlines hoàn toàn có thể đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết cổ phiếu.

Liệu có ngoại lệ?

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022, Vietnam Airlines ghi nhận lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm hơn 10.450 tỷ đồng. Đến hết 31/12, lợi nhuận luỹ kế của cổ đông công ty mẹ âm xấp xỉ 34.200 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của hãng bay này âm 10.199 tỷ đồng.

Căn cứ theo Điều 120, Nghị định 155 quy định chi tiết một số điều của Luật Chứng khoán, cổ phiếu của công ty đại chúng sẽ bị huỷ niêm yết trong các trường hợp gồm: Lỗ 3 năm liền hoặc tổng lỗ luỹ kế vượt quá vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.

Trong những lần trao đổi với báo chí, lãnh đạo Vietnam Airlines vẫn nói “cứng” khi cho rằng “việc huỷ niêm yết chỉ thực hiện với các cổ phiếu xấu nhằm thanh lọc thị trường chứng khoán, bảo vệ nhà đầu tư” và vẫn nỗ lực hết sức đưa ra các giải pháp cũng như đề xuất hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý.

Đặc biệt, đại diện Vietnam Airlines cho rằng DN này là “trường hợp đặc biệt” và việc lỗ, âm vốn chủ sở hữu “do khách quan” đồng thời khẳng định “cổ phiếu của hãng tốt, đang có khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh và phát triển; giá trị vốn hoá và tài sản lớn...". Song các chuyên gia cho rằng, nếu tình hình kinh doanh trong thời gian tới của Vietnam Airlines không được cải thiện, nguy cơ cổ phiếu của hãng bị hủy niêm yết là hoàn toàn có thể xảy ra.

Luật sư Trương Thanh Đức – Đoàn Luật sư TP Hà Nội khẳng định dù Vietnam Airlines là DN như thế nào đi chăng nữa thì theo quy định, nếu ỗ liên tiếp ba năm, âm vốn chủ sở hữu thì đầu tiên là buộc phải hủy niêm yết.

“Nếu có ngoại lệ thì phải có quy định sẵn là trong trường hợp nào thì được ngoại lệ chứ không phải bây giờ lỗ thì lại biện minh do đây là doanh nghiệp nhà nước, do dịch bệnh thì được ngoại lệ” – Luật sư Trương Thanh Đức nói và nhấn mạnh, đối với quy định pháp luật, bất cứ DN nào cũng không thể có ngoại lệ bởi như vậy sẽ tạo ra một sân chơi bất bình đẳng và tiền lệ xấu cho thị trường khi các DN khác cũng tìm ra đủ loại lý do để không bị hủy niêm yết.

 

Trong 6 tháng đầu năm, Vietnam Airlines Group (gồm ba hãng Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco) đã vận chuyển 11,8 triệu lượt khách nội địa và quốc tế, tăng 28,2% so với nửa đầu 2022 và chiếm gần 43% thị phần của hãng bay Việt Nam. Trong đó, riêng Vietnam Airlines vận chuyển 9,94 triệu lượt khách, tăng 25% và chiếm 36% thị phần.Vietnam Airlines Group cũng chuyên chở hơn 100 nghìn tấn hàng hóa trong nửa đầu năm 2023, chiếm hơn 65% thị phần hàng không Việt Nam.