Khi chữa lành thành “hot trend”
“Chữa lành” được dịch từ nguyên gốc tiếng Anh của từ “Healing”. “Healing” lâu nay được đặt tên cho trào lưu tìm kiếm sự hồi phục, hàn gắn tâm hồn, cảm xúc, thể chất của con người.
“Healing” hay “chữa lành” trở thành trào lưu được hưởng ứng rầm rộ khi thế hệ những cư dân thành phố cho rằng họ phải sống với áp lực quá lớn.
Khoảng 5-7 năm trở lại đây, phim chữa lành phát triển thành “dòng phim”, thể loại phim riêng biệt, với sức khuynh đảo màn ảnh mạnh mẽ. Cả Trung Quốc và Hàn Quốc đều dành sự ưu tiên đầu tư cho loạt dự án phim chữa lành.
Bộ phim “Sắc xuân gửi người tình” đang gây bão màn ảnh Trung Quốc, khi xoay quanh cuộc sống của những thanh niên như Mạch Đông (Lý Hiện) quyết định ở lại thị trấn nhỏ bé Nam Bình góp sức xây dựng quê hương. Nếu như nhiều bạn bè cùng thế hệ vẫn mong muốn đổ xô đến các thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh tìm cơ hội, Mạch Đông lại thấy hài lòng và thấy bình yên khi ở quê nhà.
“Sắc xuân gửi người tình” mang đến cảm xúc chữa lành cho người xem bởi câu chuyện nhẹ nhàng, dung dị. Phim lấy bối cảnh ở Tuyền Châu, nơi những ngôi làng gạch đỏ nằm bình yên giữa thiên nhiên khoáng đạt. Không gian phim mở ra mênh mông, cuộc sống của người trong thị trấn gần gũi, giản dị, mối gắn kết mật thiết, những cuộc trò chuyện, hội thoại thân tình.
Rời xa cuộc sống đô thị ngột ngạt, giữa bối cảnh chật hẹp với tiếng còi xe, tắc đường... những bộ phim với âm thanh và không gian bình yên như: “Sắc xuân gửi người tình”, “Đi đến nơi có gió” có sức hút mạnh mẽ với khán giả.
Và những bộ phim gây bão
Năm 2021, bộ phim “Hometown cha cha cha” (tựa Việt: Điệu cha cha cha làng biển” được yêu thích rộng khắp, vượt khỏi biên giới Hàn Quốc lan tỏa đến nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. “Hometown cha cha cha” tái hiện cuộc sống đối lập giữa đô thị và nông thôn. Nếu ở thành phố, Hye Jin phải “cuống cuồng” trong cuộc chạy đua công việc mỗi ngày, liên tục bị cấp trên gây sức ép, phải đối diện với sự cạnh tranh đầy mưu mô của đồng nghiệp... khi ở làng biển, Hye Jin được hòa trong cuộc sống thiên nhiên, được ngắm biển, được sống chậm lại, được yêu thương trong những mối quan hệ chất phác, thật thà.
Gần nhất, bộ phim “Chào mừng đến Samdalri” cũng lấy bối cảnh làng biển, xoay quanh cuộc sống của những thanh niên đã mệt nhoài vì phố thị, họ quyết định quay về quê nhà lập nghiệp. Hàn Quốc liên tục cho ra những bộ phim chữa lành, ở đó các nhà làm phim tái dựng lại sự đối lập, nghịch lý ở cuộc sống đô thị và nông thôn.
Khi tất cả sức trẻ dồn về thành phố, thành phố càng trở nên chật hẹp, cuộc cạnh tranh, mưu sinh càng trở nên khốc liệt. Chỉ đến khi kiệt sức, các nhân vật mới tìm về quê nhà, và ở đây, giữa không gian mênh mông, giữa cuộc sống bình dị, họ như được tái sinh, được tiếp thêm sức mạnh để bắt đầu lại từ chính nơi đã từng quyết định từ bỏ.
Theo TS. Đặng Thiếu Ngân - chuyên gia văn hóa Hàn Quốc: “Cuộc sống đô thị ở tất cả các thành phố lớn trên nhiều quốc gia đều rất áp lực. Seoul áp lực vô cùng lớn, nhất là các công ty, tập đoàn kinh tế lớn đặt ra yêu cầu về thời gian, hiệu quả công việc cho nhân sự của họ, cực kỳ áp lực. Khi cuộc sống, công việc khắc nghiệt, cạnh tranh cao, căng thẳng do áp lực lớn dần nên việc phim ảnh khắc họa nhiều về tình yêu lãng mạn, cuộc sống bình yên... cũng góp thêm phần cân bằng tâm lý của con người trong xã hội Hàn Quốc hiện đại”.
Dòng phim chữa lành của Trung Quốc, Hàn Quốc đang được yêu thích rộng khắp, trong đó “Sắc xuân gửi người tình” và loạt phim “Nơi đảo xanh”, “Điệu cha cha cha làng biển”... được khán giả Việt Nam chào đón nồng nhiệt. Thậm chí “Reply 1988” còn được “cày đi cày lại” trong nhiều năm.
Bởi, khi xem những bộ phim chữa lành, số đông khán giả bắt gặp chính mình trong đó, bắt gặp những áp lực, tổn thương mình từng phải chịu đựng, và khi xem hành trình nhân vật chữa lành - khán giả cũng cảm thấy chính họ đang được chữa lành.