Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vị thế nông nghiệp trong kỷ nguyên mới

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2025, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành; nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng ở mức cao nhất.

Xuất khẩu nông sản Việt Nam năm 2024 lập kỷ lục 62,5 tỷ USD.
Xuất khẩu nông sản Việt Nam năm 2024 lập kỷ lục 62,5 tỷ USD.

Thành tựu toàn diện

Thông tin từ Bộ NN&PTNT ngày 2/1 cho biết, năm 2024, ngành NN&PTNT tiếp tục nhất quán trong chuyển đổi tư duy và hành động từ sản xuất sang kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa giá trị, đa ngành, đa lĩnh vực và nhận được sự hưởng ứng của toàn xã hội. Nhờ vậy, ngành NN&PTNT đã đạt nhiều thành tựu lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Nổi bật là lĩnh vực trồng trọt đạt 48,1 triệu tấn sản lượng lương thực có hạt, 43,7 triệu tấn sản lượng lúa (năng suất 61,4 tạ/ha). Sản lượng một số cây trồng chủ lực tăng cao như sầu riêng (1,45 triệu tấn), thanh long (1,35 triệu tấn), cao su (1,37 triệu tấn), cà phê (1,95 triệu tấn)… Lĩnh vực chăn nuôi đạt 8,1 triệu tấn thịt hơi các loại, 1,2 triệu tấn sữa, 19,7 tỷ quả trứng…

Sản lượng thủy sản năm 2024 ước đạt 9,6 triệu tấn. Lâm nghiệp có diện tích rừng trồng tập trung ước khoảng 282.000ha, tăng 0,2% và 130 triệu cây phân tán; sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng ước đạt 22,88 triệu m3, tăng 9,8%. Diêm nghiệp năm 2024 đạt diện tích sản xuất muối hơn 10.800ha, sản lượng khoảng 1,1 triệu tấn, tăng 23,6%.

Đặc biệt năm 2024, trong bối cảnh thị trường thế giới gặp nhiều khó khăn, ngành NN&PTNT đã nỗ lực không ngừng nghỉ xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường mới, tháo gỡ rào cản thương mại, tăng cường xuất khẩu. Nhờ đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản tiếp tục được mở rộng cả về ngành hàng và sản phẩm.

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản toàn ngành ước đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỷ USD (tăng 18,7% so với năm 2023), xuất siêu đạt mức kỷ lục 17,9 tỷ USD (tăng 46,8% so với năm 2023). Tính đến năm 2024, nông sản Việt Nam đã hiện hữu tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, có thể thích ứng với yêu cầu của những thị trường khó tính nhất.

Nhờ tư duy sáng tạo, linh hoạt, đổi mới và đột phá, năm 2024 ngành NN&PTNT đã thu hút thêm 1.500 doanh nghiệp được thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp lên khoảng 17.300, tăng 7,5% so với năm 2023. Bên cạnh đó, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn tiếp tục gia tăng đầu tư vào nông nghiệp.

Kiến tạo không gian phát triển cho nông nghiệp là mục tiêu trọng tâm năm 2025.
Kiến tạo không gian phát triển cho nông nghiệp là mục tiêu trọng tâm năm 2025.

Kiến tạo không gian phát triển

Thành tựu trong gian khó của ngành NN&PTNT năm 2024 đã tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ, điểm tựa của nền kinh tế đất nước, đảm bảo an sinh xã hội quốc gia; qua đó, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu và sẵn sàng phát huy lợi thế để cùng với đất nước bước vào kỉ nguyên mới.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, bước sang năm 2025, ngành NN&PTNT tự tin đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn. Để hiện thực hoá được mục tiêu, Bộ đã xác định nhiệm vụ, xây dựng các giải pháp chính: kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng ở mức cao nhất.

Cùng với tổ chức thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp tại các Nghị quyết Trung ương, Luật, Chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành theo định hướng chuyển đổi mạnh sang tư duy kinh tế nông nghiệp, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, minh bạch, trách nhiệm, tích hợp đa giá trị theo hướng giữ vững an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái.

Phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản cả trong nước và xuất khẩu cũng là nhiệm vụ được Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh. Cùng  với đó là phát triển nông thôn, trọng tâm là thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 gắn với phát triển kinh tế nông thôn. Phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và quản lý hiệu quả vốn đầu tư xây dựng cơ bản, bảo vệ và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.

Bộ NN&PTNT cũng sẽ tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chủ động hội nhập quốc tế để mở cửa thị trường. Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số. 

 

Một số mục tiêu ngành NN&PTNT Việt Nam đặt ra trong năm 2025: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành từ 3,4 - 3,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 64 - 65 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 80,5 - 81,5%; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 42,02%...