Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

VIB "đổ bộ" Upcom với giá chào sàn 17.000 đồng/cổ phiếu

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa chấp thuận cho Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam (VIB) được đăng ký giao dịch 564.442.500 cổ phiếu trên UPCoM với mã chứng khoán VIB.

Ngày giao dịch đầu tiên 9/1/2017. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 17.000 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này, vốn hóa của VIB đạt trên 9,595 tỷ đồng.
Giao dịch tại VIB.
Những năm gần đây, VIB là một trong những ngân hàng thương mại nhận được sự quan tâm của cổ đông và nhà đầu tư khi tỷ lệ chia cổ tức thuộc nhóm cao. Tỷ lệ cổ tức năm 2014 là 23.5% và năm 2015 là 25%, bao gồm cả tiền mặt và cổ phiếu thưởng.
Đến hết tháng 11, lợi nhuận của VIB trước dự phòng lũy kế đạt 1.150 tỷ đồng, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng doanh thu hoạt động của toàn ngân hàng tăng 23,5% so với cùng kỳ. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của ngân hàng cuối quý 3 là 15,6%. Dự kiến tổng tài sản của VIB cuối năm 2016 sẽ vượt mức 100 nghìn tỷ đồng, với tổng danh mục tín dụng cho khách hàng xấp xỉ 70 nghìn tỷ đồng, tăng gần 25% so với đầu năm.
Theo ông Hàn Ngọc Vũ - Tổng giám đốc VIB, với việc nền kinh tế Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan, lãi suất và tỷ lệ lạm phát được duy trì ở mức thấp; tỷ giá của tiền đồng được giữ ổn định, chúng tôi nhận thấy các nhà đầu tư đang có sự nhìn nhận tích cực về thị trường chứng khoán Việt nam. Ngoài ra, việc VIB liên tục được các tổ chức quốc tế đánh giá cao về chất lượng hoạt động và uy tín thương hiệu cũng đang gia tăng sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài vào 10% room ngoại mà VIB vẫn còn. "Vì thế, lựa chọn thời điểm này để bắt đầu giao dịch cổ phiếu VIB trên sàn giao dịch tập trung là rất phù hợp"- ông Vũ cho hay.
Đến 31/11/2016, cổ đông lớn nhất của VIB là ngân hàng Commonwealth Bank of Australia, 1 trong 10 ngân hàng có vốn hóa lớn nhất thế giới với hơn 100 năm kinh nghiệm, hiện đang giữ 20% cổ phần của ngân hàng này.
Năm 2017, VIB đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận cao hơn 10% so với mục tiêu của năm trước. Phân khúc khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), khách hàng người nước ngoài sẽ là phân khúc mà ngân hàng đặc biệt chú ý phát triển.