[Video] Sức mạnh sóng thần sau vụ phun trào núi lửa Tonga

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sóng thần đã tấn công đảo quốc Tonga sau khi núi lửa tại đây phun trào hôm 14/1, trong khi dư chấn xuất hiện tại các nước láng giềng như New Zealand, Australia, Mỹ và Nhật Bản.

 

Sóng thần là hệ lụy sau khi một núi lửa dưới biển của Tonga phun trào đã khiến toàn bộ thị trấn lân cận ngập trong nước. Các nhà khoa học cảnh báo hòn đảo chính có thể bị tro bụi từ núi lửa nhấn chìm.

Video được chia sẻ trên mạng xã hội sau vụ phun trào cho thấy cảnh người dân đang náo loạn tìm vùng đất cao hơn để trú ẩn khi cơn lũ với cột nước cao 1m đổ bộ vào các khu vực ven biển và tiến sâu hơn vào đất liền trong khi bầu trời tối đen bởi tro bụi.

Người dân New Zealand, cách Tonga khoảng 2.000 km, cũng cho biết họ đã nghe thấy "tiếng bùng nổ" vào thời điểm ngọn núi lửa dưới biển phun trào.

Một con thuyền dạt vào bờ ở New Zealand sau vụ tấn công của sóng thần. Ảnh: The Guardian. 
Một con thuyền dạt vào bờ ở New Zealand sau vụ tấn công của sóng thần. Ảnh: The Guardian. 

Một video quay từ mái một tòa nhà trên bờ biển cho thấy những con sóng lớn đâm xuyên qua bức tường chỉ trong vài giây hay một video quay từ Cao ủy New Zealand ở Thủ đô Tonga Nuku'alofa, nơi mọi người chạy đến trú ẩn, cho thấy khu vực trung tâm thành phố Patangata đã bị nhấn chìm hoàn toàn, bao gồm cả Cung điện Hoàng gia và ngân hàng lớn nhất của Tonga.

Một video khác, được quay bên trong một nhà thờ, cho thấy cảnh trẻ em khóc thét khi nước bao quanh tòa nhà và sóng bắt đầu vỗ vào cửa sổ.

Trong một bài đăng trên Internet vào sáng 16/1 Thủ tướng Tongan, Siaosi Sovaleni, cho biết cảnh báo sóng thần vẫn được duy trì và phần lớn đất nước đã phải chịu thiệt hại nghiêm trọng.

Thủ tướng New Zealand, Jacinda Ardern, cho biết tình hình ở Tonga là "rất đáng lo ngại".

Núi lửa, Hunga Tonga-Hunga Ha’apai, cao 1.800m và rộng 20 km, cách thủ đô Nuku’alofa của Tonga 65 km về phía bắc. US Storm Watch cho biết vụ phun trào là một trong những vụ phun trào dữ dội nhất từng được chụp trên vệ tinh, trong khi cơ quan địa chất Tonga cho biết khí, khói và tro bụi từ vụ phun trào đã bay lên bầu trời 20 km.

Cảnh báo sóng thần hiện đã được đưa ra tại nhiều quốc gia khu vực Thái Bình Dương, bao gồm cả ở Australia, Nhật Bản và Mỹ. Một số cộng đồng ven biển ở Fiji và Vanuatu đã bị thiệt hại do sóng lớn, trong khi thủy triều dâng gây hư hại các bến cảng và công viên ven biển dọc theo bờ biển phía tây nước Mỹ.

Đài truyền hình NHK đưa tin, tại Nhật Bản, khoảng 230.000 người được khuyến cáo nên sơ tán qua 8 tỉnh khi những con sóng cao hơn 1m ập vào các khu vực ven biển.  NHK cho biết, 10 chiếc thuyền đã bị lật ở tỉnh Kochi trên đảo Shikoku, miền nam Nhật Bản. Trong khi đó, Japan Airlines đã hủy 27 chuyến bay tại các sân bay trên khắp đất nước. Kyodo News đưa tin, hoạt động đường sắt và bưu chính ở một số khu vực bị đình trệ và một số cư dân đã trải qua một đêm lạnh giá sau khi sơ tán đến vùng đất cao hơn.