Hoàn thiện khung pháp lý, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư vào sản xuất kinh doanh
Kinhtedothi- Sáng 9/5, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về thành lập, tổ chức và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư vào sản xuất kinh doanh.
Trình bày Tờ trình Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, mục đích sửa đổi, bổ sung luật này nhằm tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về thành lập, tổ chức và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư vào sản xuất kinh doanh; góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn và minh bạch; bảo đảm thực thi cam kết quốc tế của Việt Nam trong triển khai hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền...
“Các quy định sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo Luật tuân thủ nguyên tắc bảo đảm quyền tự do kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp”- Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp. Ảnh: Quochoi.vn
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, Dự thảo Luật tiếp tục hiện đại hóa, chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác đăng ký doanh nghiệp thông qua việc sử dụng định danh cá nhân để thay thế cho toàn bộ giấy tờ truyền thống.Theo đó, đã bãi bỏ 2 nội dung giúp giảm giấy tờ mà doanh nghiệp, cá nhân phải nộp và giản lược thông tin doanh nghiệp phải kê khai cho cơ quan đăng ký kinh doanh.
Thông qua việc xác thực định danh cá nhân trên cơ sở kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong quá trình thành lập doanh nghiệp sẽ giúp các cơ quan quản lý giám sát thân nhân, tư cách pháp lý của người thành lập doanh nghiệp ngay từ bước đầu mà không ảnh hưởng đến quá trình tự do gia nhập thị trường của doanh nghiệp, không làm tăng thủ tục hành chính.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 23 nội dung (sửa đổi 16 nội dung, bổ sung 7 nội dung).
Nội dung đáng chú ý trong Dự thảo Luật, là sửa đổi, bổ sung về đối tượng được thành lập doanh nghiệp gồm viên chức làm việc tại cơ sở giáo dục đại học công lập được góp vốn, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do cơ sở đó tạo ra.
Trường hợp viên chức là người lao động thì phải được sự đồng ý của người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học công lập; trường hợp viên chức quản lý là người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học công lập thì phải được sự đồng ý của cấp trên quản lý trực tiếp (điểm b khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 17).

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày Báo cáo thẩm tra. Ảnh: Quochoi.vn
Trình bày Báo cáo thẩm tra Dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho rằng, để đáp ứng mục tiêu xây dựng Luật và ý nghĩa của Luật được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn, đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo bộ, các cơ quan ngang bộ có liên quan và địa phương khẩn trương xây dựng Nghị định của Chính phủ bảo đảm có hiệu lực đồng thời với Luật và đáp ứng yêu cầu của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF).
Cùng với đó, nhanh chóng ban hành hướng dẫn đầy đủ, chi tiết; thực hiện các biện pháp hỗ trợ và bảo đảm điều kiện thực hiện khác để không tạo thêm áp lực hoạt động doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp thực hiện các quyền về tự do kinh doanh với chi phí thấp. Đồng thời, nâng cấp hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp bảo đảm thông tin được tích hợp, chuẩn hóa, cập nhật đầy đủ, có sự liên thông, kết nối, chia sẻ...
Về sửa đổi, bổ sung về đối tượng được thành lập, tham gia quản lý, điều hành, làm việc tại doanh nghiệp gồm viên chức, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị nghiên cứu chỉnh lý quy định tại Điều 17 theo hướng súc tích hơn, loại trừ trường hợp pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có quy định khác. Các trường hợp cụ thể trực tiếp thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW về viên chức được tham gia góp vốn, tham gia quản lý, điều hành, làm việc tại doanh nghiệp là nội hàm chính sách của Dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo và Nghị quyết số 193/2025/QH15 và đã được quy định tại các văn bản này. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát Luật Viên chức để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật...
Theo chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 10/5, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp. Ngày 20/5, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật, trước khi xem xét, biểu quyết thông qua vào ngày 16/6.

Đại biểu Quốc hội: đề nghị bổ sung quy định mở rộng thẩm quyền cho UBND các đô thị lớn
Kinhtedothi - Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) cho phép Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong trực tiếp chỉ đạo, điều hành giải quyết vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn trong trường hợp cần thiết sẽ bảo đảm tính linh động trong giải quyết vấn đề phát sinh khi bộ máy chính quyền mới được đi vào hoạt động.

ĐB Quốc hội: cần cấm lợi dụng nền tảng số để rao bán, quảng bá hóa chất nguy hiểm
Kinhtedothi- Ngày 8/5, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi).