70 năm giải phóng Thủ đô

Việt Nam - “bến đỗ” của dòng vốn ngoại

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2022 đã qua đi, nền kinh tế Việt Nam đã và đang hồi phục mạnh mẽ. FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) tiếp tục đà tăng, dòng tiền đổ về Việt Nam vẫn khả quan.

Thêm nhiều tỷ USD vào Việt Nam

Trong năm 2022, nhiều tập đoàn lớn của Thế giới đã công bố hàng loạt dự án có quy mô tại Việt Nam. Tháng 11/2022, Tập đoàn Lego (Đan Mạch) khởi công nhà máy có tổng mức đầu tư 1 tỷ USD. Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Lego Niels B.Christiansen cho biết, dự kiến nhà máy tạo ra 4.000 việc làm khi đi vào hoạt động năm 2024 giúp củng cố chiến lược phát triển lâu dài tại châu Á cũng như đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Lego.

Cũng trong năm 2022, Tập đoàn Samsung đã đầu tư thêm gần 1 tỷ USD để mở rộng hoạt động sản xuất của Nhà máy tại Thái Nguyên. Đến nay tổng vốn đầu tư của tập đoàn này vào Việt Nam đã lên hơn 19 tỷ USD.

Gã khổng lồ công nghệ Apple hiện đang sản xuất iPad tại Việt Nam cũng đang xem xét sản xuất Apple Watch và Macbook “made in Vietnam” đầu tiên. Đến nay, Apple đã nâng hệ sinh thái chuỗi cung ứng lên 21 nhà cung cấp tại Việt Nam, so với con số 14 của năm 2018. Con số này thậm chí còn cao hơn so với tình hình của Thái Lan (chỉ có 15 nhà cung cấp) và Ấn Độ (9 nhà cung cấp).

Lễ khởi công nhà máy của LEGO tại tỉnh Bình Dương. Ảnh: Nhật Thịnh
Lễ khởi công nhà máy của LEGO tại tỉnh Bình Dương. Ảnh: Nhật Thịnh

Cũng trong năm 2022, Việt Nam đón nhận nguồn vốn mới và vốn bổ sung mở rộng quy mô của những DN FDI lớn đang hoạt động. Như dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh (Singapore) điều chỉnh tăng vốn thêm gần 941 triệu USD; dự án Nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các ấn phẩm âm thanh đa phương tiện (Hong Kong, Trung Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm gần 306 triệu USD tại tỉnh Bắc Ninh.

Tương tự, Panasonic đã mở rộng Trung tâm Nghiên cứu phát triển IoT (Internet vạn vật) tại Hà Nội, để phát triển các sản phẩm ứng dụng công nghệ IoT, AI (trí thông minh nhân tạo), giải pháp nhà máy số thông minh, và rất nhiều phần mềm ứng dụng AI khác. Intel đã rót thêm 475 triệu USD vào nhà máy tại Việt Nam, nâng tổng mức đầu tư sau 16 năm hoạt động lên gần 1,5 tỷ USD. LG, Foxconn, Bosch, Dell… không chỉ sản xuất, lắp ráp mà còn triển khai thêm hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam…

Một số dự án quy mô lớn mở rộng sản xuất là "những minh chứng sống" về sự tin tưởng cao vào môi trường đầu tư của Việt Nam. Sự an lành và phát triển của "những con chim lớn hiện có sẽ lôi kéo nhiều đàn chim khác đến".

Khẳng định vị thế

Vốn FDI trong năm 2022 đã gần bắt nhịp được với xu hướng phục hồi của dòng vốn đầu tư toàn cầu, với tổng vốn đăng ký đạt trên 25 tỷ USD.

Trong một cuộc khảo sát của Công ty Nghiên cứu Cushman&Wakefield, hơn 200 đại diện cấp cao từ các công ty đầu tư hàng đầu đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư ưu tiên nhất và đứng thứ 2 trong nhóm các thị trường mới nổi.

Các cuộc điều tra của Amcham, Eurocham, Kocham… công bố trong những tháng gần đây cho thấy, 60-65% DN nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam có ý định mở rộng hoạt động năm 2022 và những năm tiếp theo. Đó là tỷ lệ khá cao so với rất nhiều nước.

Gần đây, các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam thăm Mỹ, châu Âu, một số nước ASEAN, Hàn Quốc, Ấn Độ… Tại hội đàm cấp cao hoặc hội nghị xúc tiến đầu tư, các tập đoàn của Mỹ, EU đã cam kết đầu tư rất lớn vào Việt Nam, trong đó có những dự án điện gió ngoài khơi, điện khí giá trị tới vài tỷ USD.

Tờ Financial Times đánh giá, Việt Nam đang trở thành điểm sáng trong thu hút sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư FDI và lần đầu tiên Việt Nam lọt vào Top 20 nền kinh tế về thu hút FDI trên thế giới. Với nhiều lợi thế, các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin rất lớn vào mắt xích Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Năm 2022, Việt Nam tiếp tục thực hiện một số FTA thế hệ mới, nhiều DN trong nước và DN FDI đã tích lũy được kinh nghiệm trong thương mại với những đối tác của FTA thế hệ mới; cải cách nền hành chính quốc gia tiếp tục được tiến hành, bộ máy nhà nước tinh giản, gọn nhẹ và có hiệu năng hơn, thực hiện chính phủ kiến tạo, chính phủ số.

GS. TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN FDI cho biết, các nhà đầu tư và nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao việc nhà nước Việt Nam nỗ lực hoàn thiện thể chế, cải cách nền hành chính quốc gia, giảm thiểu hàng nghìn thủ tục hành chính, chuyển nhanh sang Chính phủ số…

Dù còn nhiều khó khăn song hoàn toàn có thể kỳ vọng vốn FDI tiếp tục tăng trưởng năm 2023. Hiện các dự báo đều cho rằng, vốn đăng ký vào Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 10 - 15%, tương đương từ 31 tỷ USD lên 35 - 36 tỷ USD. Đạt được mức này là đạt chỉ tiêu Nghị quyết 50/2019-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

 

"Với thành công của năm 2022, tôi tin rằng năm 2023 và các năm tiếp theo, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục chọn Việt Nam, không chỉ vì những lợi thế vốn có của nền kinh tế, mà còn bởi các cơ chế, chính sách mới của Việt Nam trong thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đã bắt kịp xu hướng phát triển cũng như có tính cạnh tranh quốc tế." - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng

"Việt Nam đang sở hữu những lợi thế vượt trội so với các đối thủ trong khu vực để thu hút dòng vốn FDI quốc tế trong thời gian tới, bao gồm: Chi phí lao động cạnh tranh, vị trí địa lý thuận lợi, chính trị ổn định và nhiều ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do và tốc độ tăng trưởng GDP từ 7 - 8% là mơ ước đối với quốc gia." - Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam Andrew Jeffries

"Cần vận động xúc tiến đầu tư, khẳng định Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn. Bên cạnh đó, về hạ tầng, Việt Nam cần đẩy mạnh xây dựng, kết nối giao thông thuận lợi của các vùng miền. Phát huy năng lực DN trong nước, nâng cao chất lượng, kỹ năng quản lý để thành mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ và trí thức từ các công ty nước ngoài." - Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam Alain Can