Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam chưa phát hiện ca nhiễm virus corona lây lan trong cộng đồng

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 31/1, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp cung cấp thông tin về phòng chống dịch viêm đường hô hấp do virus corona (nCoV). Theo đó, các ca dương tính với virus corona ở Việt Nam đều là xâm nhập, chưa có ca bệnh lây lan trong cộng đồng.

Tại cuộc họp, ông Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc diễn ra phức tạp, với tốc độ nhanh. Hiện hiểu biết của người dân về căn bệnh, nguồn bệnh chưa rõ ràng. Người dân đang có những lo lắng nhất định, thông tin tiếp nhận chưa được tốt. Điều này xuất phát từ việc chưa có một buổi cung cấp thông tin nào.
Hiện nay có 9.833 ca bệnh, Trung Quốc 9.699, thiệt mạng 213, xảy ra trên 22 quốc gia và vùng lãnh thổ.
PGS. TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng phát biểu tại cuộc họp.
Tại Việt Nam, xác định 5 trường hợp dương tính với virus corona, đều là ca xâm nhập. Trong đó, mới đây nhất là 3 trường hợp từ Vũ Hán về, một người ở Thanh Hóa, 2 người ở Vĩnh Phúc. Hiện Việt Nam chưa thấy có ca bệnh lây lan từ cộng đồng.
“Chúng ta cần xác định rõ tình hình dịch bệnh, phòng chống dịch quyết liệt nhưng cần tỉnh táo để tránh hệ lụy đến vấn đề xã hội, an sinh của người dân” - ông Phu nhấn mạnh.
Mới đây, WHO ban bố tình trạng khẩn cấp. Trong thời gian qua, Việt Nam làm rất quyết liệt trong phòng chống dịch virus corona. Việt Nam có thuận lợi là Phó Thủ tướng là người trực tiếp chỉ đạo ngành Y tế. Ngoài ra, Ban Bí Thư, Chính phủ và các địa phương cũng chỉ đạo sát sao.
Các địa phương cũng làm rất tốt công tác giám sát các cửa khẩu, cơ sở y tế. Giám sát cơ sở y tế là rất quan trọng, giám sát ở cửa khẩu tuy cần thiết, nhưng nhiều khi không phát hiện được ca bệnh (do nhiều người uống hạ sốt).
“Trên cơ sở đó, chúng tôi thấy rằng, cần phải có sự phối hợp trong công tác truyền thông để người dân hiểu đi từ vùng dịch về sẽ phải làm gì, có triệu chứng sốt nên làm sao. Chúng ta phải giải thích cho người dân là Chính phủ đã làm rất quyết liệt, Bộ Y tế cũng vậy, nhưng dịch bệnh chỉ đáp ứng được phần nào, không thể chống lại tất cả” - ông Phu nói.
Trước đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Vụ Truyền thông là đầu mối của tất cả hoạt động truyền thông của Bộ. Vì thế, người dân có thể trực tiếp liên hệ để có được thông tin chính xác nhất, không nên tin nghe theo những tin đồn trên mạng xã hội.
Ông Phu cũng cho rằng, báo chí nên hướng vào những bài viết khuyến cáo, hướng dẫn người dân để họ yên tâm, không nên quá lắt léo để người dân khó hiểu, gây hoang mang thêm. Ngành y tế hứa sẽ trả lời tất cả các vấn đề cụ thể để người dân nắm bắt, yên tâm hơn, tránh hoang mang.
Phó Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ tất cả thông tin phải thường xuyên được cập nhật trên trang web của Bộ Y tế. Dù có kinh nghiệm chống SARS nhưng cũng không nên quá chủ quan bởi dịch lây lan rất nhanh, có tính chất phức tạp, bệnh luôn luôn biến đổi.
Trong lúc này, tất cả cộng đồng cần chung tay làm sao để người dân không hoang mang, tất cả phải tham gia chống dịch. Bộ Y tế tham mưu cho Chính phủ, mọi thông tin phải minh bạch.
“Tết vừa rồi, nhân viên Cục Y tế dự phòng đều không có Tết. Ai cũng mong dịch bệnh không lây lan nhưng rất khó, bởi tình hình ở Trung Quốc đang diễn biến phức tạp. Việt Nam sẽ cố gắng để dịch không lây lan quá lớn, hạn chế mọi rủi ro” - ông Phu cho hay.
 Đại diện WHO.
Trong khi đó, đại diện WHO thông tin, tổ chức đã công bố tình trạng khẩn cấp với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona mới gây ra.
Để công bố dịch bệnh, WHO phải dựa trên một số yếu tố. Thứ nhất là nguy cơ lây lan của dịch ra quốc tế. Thứ 2, cần phải có phối hợp của toàn cầu trong công tác đối phó, phòng chống dịch. Ý nghĩa của việc công bố là cần sự hỗ trợ, làm việc cùng nhau chống lại dịch bệnh. Các nước trên thế giới cần có sự chung tay để chống lại dịch bệnh.
“Chúng tôi rất hiểu sự băn khoăn, thắc mắc, sợ hãi của công chúng của tuyên bố trên. Tuy nhiên, việc này không có nghĩa là nâng cấp độ nguy cơ và sự đe dọa của bệnh tật trên toàn cầu. Chúng ta phải nhìn vào thực tế là phần lớn các ca bệnh hiện đều được báo cáo tại Trung Quốc” - đại diện WHO nói.
Hiện dịch bệnh đã lan ra 22 nước, nhưng phải khẳng định một lần nữa là dịch phần lớn vẫn ở Trung Quốc.
Với WHO, thế giới quan ngại tình hình lây lan của dịch bệnh này, đặc biệt là ở những nước có ngành y tế chưa đủ mạnh. “Chúng tôi đánh giá rất cao chính phủ Việt Nam, ngành y tế Việt Nam trong việc phòng ngừa, chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị các ca bệnh cho đến thời điểm hiện tại” - đại diện WHO khẳng định.
WHO hoàn toàn tin tưởng vào năng lực ứng phó dịch bệnh của Việt Nam. WHO cam kết sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona mới gây ra.

Việc công bố tình trạng khẩn cấp của WHO mang tính chất kêu gọi các quốc gia chung tay vào phòng chống dịch bệnh, qua đó tạo nguồn lực để đáp ứng. Đối chiếu lại Việt Nam, theo khuyến cáo của Bộ Y tế làm rất nhiều hoạt động đáp ứng được những vấn đề trên: Chia sẻ thông tin, thành lập ban chỉ đạo, chính quyền cáp cấp tham gia, chuẩn bị cho nguồn lực...

Việt Nam đã đáp ứng rất tốt trước khi ban bố tình trạng hẩn cấp.

Tại Việt Nam, luật lại quy định khác về tình trạng y tế khẩn cấp so với quốc tế. Việt Nam đã làm việc hết sức mình để đáp ứng công tác phòng chống dịch.

PGS. TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng