Thông tin trên được PGS.TS Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông xác nhận.
Theo đó, từ tháng 9/2024, Học viện sẽ tuyển sinh chuyên ngành về Công nghệ Game (Trò chơi điện tử) với 200 chỉ tiêu.
Sinh viên theo học ngành học này được đào tạo kiến thức, tư duy sáng tạo nội dung các game, nhưng định hướng tích cực, thiên hướng về game học tập; sử dụng được các công nghệ, ứng dụng đa phương tiện,... để xây dựng hiệu ứng cho game,... Qua đó, sẽ cung cấp nguồn nhân lực thiết kế game, có thể tham gia thị trường công nghệ game của thế giới.
Chương trình đào tạo của chuyên ngành Công nghệ Game được thiết kế gắn kết với các doanh nghiệp. Học viên sẽ có chương trình thực tập cho sinh viên ngay từ năm thứ nhất. Các em được tiếp cận kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về game từ nội dung đến các công cụ thiết kế. Trong quá trình đào tạo, học viện cũng sẽ định hướng các em sản xuất ra những game mang thương hiệu Việt Nam, thiên hướng tích cực.
“Ngành Công nghệ Game ở đây không phải là ngành chơi game hay tuyển vào để đào tạo chơi game. Ngành học này hướng tới việc đào tạo cho học viên kỹ năng thiết kế, xây dựng, phát triển các game và các hoạt động liên quan đến game”, ông Đặng Hoài Bắc nhấn mạnh.
Dự kiến, Cử nhân Công nghệ Game tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông sẽ là chương trình đào tạo chính quy và chuyên sâu về Game đầu tiên tại Việt Nam, giúp đào tạo nhân lực có kiến thức, kỹ năng thiết kế và phát triển Game ở trình độ cao.
Ngoài ra, Bộ TT&TT cũng đã kết nối với Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH FPT, ĐH Bách khoa Hà Nội và nhiều trường đại học khác, để trong 5 năm tới bổ sung đào tạo chuyên ngành Game.
Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế, tính đến hết năm 2023, doanh thu ngành Game toàn thế giới ước tính đạt 187,7 tỷ USD. Riêng khu vực Đông Nam Á, doanh thu ngành Game tăng từ 2,4 tỷ USD năm 2019 lên hơn 5,3 tỷ USD năm 2023.
Tại Việt Nam, Bộ TT&TT đặt kế hoạch sau 5 năm, doanh thu ngành Game sẽ tăng lên con số 1 tỷ USD so với hiện nay là 600 triệu USD. Do vậy, trong vài năm tới, Việt Nam sẽ cần khoảng 30.000 nhân lực cho ngành Game nói chung và ngành Thể thao điện tử nói riêng.
Theo các chuyên gia, để Việt Nam theo kịp xu thế và sự phát triển ngành Thể thao điện tử trên thế giới thì việc xây dựng các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực phục vụ trong lĩnh vực này là rất cần thiết.