Việt Nam có khoảng 70.000 người mắc bệnh phổi kẽ

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ước tính tại Việt Nam có khoảng 70.000 người mắc bệnh phổi kẽ. Triệu chứng của bệnh phổi kẽ là khó thở. Từ lúc được chẩn đoán mắc bệnh phổi kẽ, thời gian sống thêm trung bình của bệnh nhân rất ngắn, 50% bệnh nhân sống thêm khoảng 2,5 năm và 20% bệnh nhân sống thêm 5 năm.

Ngày 19/12, tại Bệnh viện Phổi Trung ương đã ra mắt Chương trình Bệnh phổi kẽ. PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Bệnh phổi kẽ cho biết, sự ra đời của Chương trình bệnh phổi kẽ với mong muốn huy động được sự tham gia của đông đảo các chuyên gia trong nước và quốc tế cũng như huy động nguồn lực và cơ chế hợp tác phát triển kỹ thuật hiện đại, xây dựng mạng lưới để người dân tiếp cận được thuận lợi và hiệu quả với chuẩn kỹ thuật quốc tế.

Bệnh phổi kẽ là nhóm bệnh lý khá đa dạng, mặc dù không phải nhóm bệnh mới xuất hiện nhưng thực tế chưa được quan tâm và hiểu biết một cách cặn kẽ ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.

GS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Bệnh phổi kẽ phát biểu tại chương trình.
GS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Bệnh phổi kẽ phát biểu tại chương trình.

Khoa Hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương hàng ngày điều trị cho từ 70-100 bệnh nhân. Tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh phổi mô kẽ khoảng 6-7% tổng số bệnh nhân trong khoa.

Từ năm 2020, bệnh viện đã thành lập Hội đồng đa chuyên khoa cho bệnh phổi kẽ. Tại khoa Hô hấp, mỗi bệnh nhân sẽ được làm 1 bệnh án đưa ra hội đồng đa chuyên khoa gồm nhiều bệnh viện: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện 103, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện đa khoa Thái Nguyên, Bệnh viện Tâm Anh... để đưa ra chẩn đoán và phác đồ điều trị cho bệnh nhân, sau đó, mỗi bệnh án đều được đưa vào hệ thống lưu trữ thông tin để theo dõi.

Đến nay, Hội đồng đã hỗ trợ chẩn đoán và điều trị cho một số lượng lớn các bệnh nhân từ nhiều cơ sở y tế thông qua cơ chế phối hợp hiệu quả.

Mặc dù hiện nay tỷ lệ phát hiện bệnh nhân viêm phổi kẽ tăng lên đáng kể nhưng do các biểu hiện của bệnh phổi kẽ trên lâm sàng là không đặc hiệu, việc chẩn đoán căn nguyên và phân loại bệnh phổi kẽ còn là thách thức lớn với các bác sĩ trên lâm sàng.

Việt Nam hiện chưa có nhiều hội đồng đa chuyên khoa trong chẩn đoán điều trị bệnh phổi mô kẽ. Các kỹ thuật chẩn đoán bệnh phổi kẽ như chẩn đoán hình ảnh, nội soi, ... chưa được thực hiện thường quy trong mạng lưới chuyên khoa lao và bệnh phổi.

Việt Nam có khoảng 70.000 người mắc bệnh phổi kẽ - Ảnh 1

Về mặt dịch tễ, tỷ lệ mắc của từng bệnh phổi kẽ không cao, nhưng tổng hợp chung cả nhóm bệnh phổi kẽ cũng gây ảnh hưởng lên một số lớn người bệnh với tần suất mắc 76/100.000 dân tại châu Âu và 74,3/100.000 dân ở Hoa Kỳ.

Trong đó có 3 bệnh phổi kẽ phổ biến nhất là Sarcoidosis, bệnh phổi kẽ liên quan đến bệnh mô liên kết và xơ phổi vô căn với tỷ lệ tương ứng là 30,2; 12,1; 8,2 ca trên 100.000 dân.

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, người bệnh phổi kẽ tại Việt Nam thường được phát hiện muộn khi đã có biến chứng của bệnh như: suy hô hấp, tâm phế mạn với các biểu hiện xơ hóa nhu mô phổi không hồi phục trên phim chụp HRCT. Bên cạnh những bệnh phổi kẽ thường gặp như: IPF, CTD-ILD, sarcoidosis, căn nguyên về nhiễm trùng và nghề nghiệp cũng là nhóm gây bệnh phổi kẽ tại Việt Nam.

Điều trị bệnh phổi kẽ đối với người bệnh phổi kẽ giai đoạn cuối ở Việt Nam hiện nay chủ yếu dựa trên các phương pháp chăm sóc giảm nhẹ, như thở oxy dài hạn tại nhà, phục hồi chức năng hô hấp, dự phòng nhiễm khuẩn.

Với các đặc điểm lâm sàng, hình ảnh học, giải phẫu bệnh cũng như cơ chế bệnh sinh đa dạng và không đồng nhất, các khuyến cáo trên thế giới đã đề cập đến vai trò của hội đồng đa chuyên khoa trong chẩn đoán và điều trị bệnh phổi kẽ

Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Phổi Trung ương.
Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Phổi Trung ương.

Để giải quyết tốt nhất với bệnh phổi kẽ, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung nhấn mạnh, chúng ta cần có định hướng chiến lược: Áp dụng tối ưu các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại, hội đồng đa chuyên khoa cho chẩn đoán và điều trị bằng một mạng lưới chuyên khoa từ Trung ương đến tuyến cơ sở để phát hiện sớm và chăm sóc hiệu quả lâu dài, bền vững. Với chiến lược này người bệnh vừa có thể được chẩn đoán và điều trị đúng mà không làm quá tải ở tuyến Trung ương.

 

Để phát huy một trung tâm bệnh phổi kẽ, Bệnh viện Phổi Trung ương công bố việc thành lập Chương trình bệnh phổi kẽ với mục tiêu xây dựng năng lực Bệnh viện Phổi Trung ương là một trung tâm chuyên sâu cung cấp gói dịch vụ chẩn đoán và điều trị bệnh phổi kẽ tiêu chuẩn, tiên tiến, tiện lợi và dễ tiếp cận cho người bệnh tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Xây dựng và triển khai mạng lưới Bệnh phổi kẽ dựa trên mạng lưới phòng chống lao và bệnh phổi để người dân tiếp cận với dịch vụ chẩn đoán và điều trị bệnh phổi kẽ tiêu chuẩn; đào tạo, chuyển giao công nghệ cho bệnh viện thuộc mạng lưới; thúc đẩy hợp tác quốc tế; đánh giá tình tình dịch tễ bệnh phổi kẽ của Việt Nam.

Chương trình cũng vận động chính sách, truyền thông và huy động xã hội để người dân biết tiếp cận bệnh phổi kẽ và bảo hiểm y tế hỗ trợ cho các kỹ thuật chẩn đoán và thuốc điều trị bệnh phổi kẽ.

Chương trình được thành lập và đi vào hoạt động chắc chắn sẽ mang lại ý nghĩa kinh tế - xã hội to lớn với nhiều lợi ích cho người bệnh, người nhà người bệnh, cộng đồng, nhân viên y tế của bệnh viện và mạng lưới các bệnh viện.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần