Việt Nam có thể hoàn thành chỉ tiêu GDP 6,5% trong năm 2022

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,5% năm 2022 và 6,7% năm 2023. Lạm phát dự kiến vẫn trong tầm kiểm soát, ở mức 3,8%.

FDI, xuất khẩu và đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng

Tại họp báo "Triển vọng kinh tế Việt Nam" do Ngân hàng Phát triển châu Á ADB tổ chức sáng 6/4, các chuyên gia của ADB nhận định, sự phục hồi kinh tế Việt Nam có thể đạt được nhờ tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 cao, chuyển hướng tiếp cận linh hoạt hơn trong kiểm soát đại dịch, thương mại tiếp tục mở rộng cùng với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của chính phủ.

Khảo sát của Tổng cục Thống kê về xu hướng kinh doanh trong lĩnh vực chế biến chế tạo cho thấy, 81,7% số DN được hỏi tin rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ tốt hơn vào năm 2022. Trong quý 1 năm 2022, tăng trưởng GDP đạt mức 5%, cao hơn mức 4,7% của năm trước.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Quốc hội đã phê chuẩn gói giải pháp tài khóa và tiền tệ, ước tính lên đến 15 tỷ USD để triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế trong năm 2022 và 2023. Các giải pháp tiền tệ của ERDP sẽ cung cấp thêm thanh khoản cho nền kinh tế, thông qua việc tổ chức tín dụng dự kiến giảm lãi suất cho vay 0,5% - 1% trong năm nay và năm sau, đồng thời tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ tín dụng đến hết năm 2023.

Thị trường lao động phục hồi và các biện pháp kích cầu khác sẽ thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp ở mức 9,5% vào năm 2022 theo dự báo, đóng góp 3,6 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Công nghiệp đã khởi đầu mạnh mẽ trong năm nay. Sản lượng nông nghiệp được dự báo tăng 3,5% trong năm nay, đóng góp 0,4 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP nhờ sự phục hồi của cầu nội địa cùng giá hàng hóa toàn cầu tăng.

Các chính sách tái mở cửa du lịch của Chính phủ thực hiện vào tháng 3, và dự kiến dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát đại dịch sẽ thúc đẩy lĩnh vực dịch vụ, với dự báo tăng 5,5%, đóng góp 2,3 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP trong năm nay. Bên cạnh đó, giải ngân tăng sẽ thúc đẩy hoạt động xây dựng và các hoạt động kinh tế liên quan.

Ngoài ra, chương trình phục hồi kinh tế sẽ gia tăng đầu tư công, kích cầu nội địa. Chỉ số môi trường kinh doanh của Phòng Thương mại châu Âu cho thấy các doanh nghiệp châu Âu đánh giá tích cực và lạc quan về môi trường kinh doanh của Việt Nam, sau khi Chính phủ nới lỏng các biện pháp nghiêm ngặt trong kiểm soát Covid-19. Giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI tăng cao. Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục tăng mạnh trong năm nay.

Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực, có hiệu lực từ ngày 1/1, sẽ thúc đẩy thương mại và phục hồi kinh tế sau khi đại dịch Covid-19 lắng xuống, bằng cách tạo ra các thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho Việt Nam và tạo nền tảng mang tính ràng buộc pháp lý để mở rộng thương mại. Dự báo xuất khẩu hàng hóa sẽ tăng 8% - 10% trong năm nay. Nhập khẩu sẽ tăng do nhu cầu về tư liệu sản xuất và đầu vào cho công nghiệp chế biến chế tạo tăng lên, cùng với đó tiêu dùng trong nước phục hồi trở lại. Sự phục hồi của du lịch và lượng kiều hối bền vững sẽ giúp tăng thặng dư tài khoản vãng lai, dự báo ở mức 1,5% GDP trong năm nay và 2% vào năm 2023.

Nói riêng về FDI và xuất khẩu tại buổi họp báo, chuyên gia kinh tế trưởng ADB, ông Nguyễn Minh Cường cho biết, có 3 yếu tố tác động đến FDI. Thứ nhất, với thị trường 100 triệu dân tầng lớp thu nhập trung bình cao, đây là điểm mà các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.

Thứ hai là thông qua thực hiện các hiệp định thương mại, có tác động rất mạnh tới dòng vốn FDI vì họ có thể nhận được ưu đãi khi Việt Nam thực hiện các cam kết và tiếp cận được những thị trường khác.

Thứ ba, môi trường kinh doanh của Việt Nam thời gian qua do Covid 19  đã có sự đứt gãy suy giảm nhẹ, dù vậy chỉ một số đơn hàng chuyển ra khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam đang quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh và vẫn là điểm đến hấp dẫn. Về xuất khẩu, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sẽ mở ra cho Việt Nam tiếp cận những thị trường lớn.

Quang cảnh họp báo
Quang cảnh họp báo

Những rủi ro thách thức

Dù có nhiều mặt tích cực nhưng ADB cũng chỉ ra những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trong giai đoạn tới.

Đó là những bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu và việc các nền kinh tế tiên tiến ngừng thực hiện chính sách tiền tệ, tài khóa mở rộng sẽ làm suy yếu đồng nội tệ của Việt Nam, làm cho nhập khẩu đắt hơn và gia tăng áp lực lạm phát.

Đến cuối quý I/2022, lạm phát bình quân tăng lên 1,9%, so với mức 0,3% của một năm trước đó. Lạm phát được dự báo tăng lên 3,8% vào năm 2022 và 4% vào năm 2023. Tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc và một số nước lớn có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam. Ngoài ra, việc điều chỉnh lãi suất của Fed sẽ tác động tới tổng cầu, và xung đột Nga - Ukraine khiến chuỗi cung ứng đứt gãy làm giảm thương mại rất mạnh.

Nợ xấu gia tăng là một rủi ro khác trong trung hạn. Nếu tính thêm các khoản cho vay được cơ cấu lại vẫn giữ nguyên nhóm nợ, tỷ lệ nợ xấu tiềm năng của Việt Nam ước tính là 8,2% tổng dư nợ. Bên cạnh việc chi phí vật liệu xây dựng tăng nhanh, thủ tục giải ngân vốn đầu tư công phức tạp có thể làm chậm việc triển khai chương trình phục hồi kinh tế của Việt Nam, giảm tác động mong muốn đối với tăng trưởng.

Việc giảm thuế VAT có thể tạo ra các tác động chuyển tiếp đáng kể và trên diện rộng nếu được thực hiện thành công. Tuy nhiên, tiêu chí đáp ứng điều kiện và thủ tục rất phức tạp có thể hạn chế khả năng tiếp cận của các DN đối với chính sách giảm thuế VAT. ADB cho rằng có các tiêu chí về đáp ứng điều kiện và thủ tục rõ ràng hơn để hỗ trợ thực hiện chính sách giảm thuế VAT một cách nhanh chóng.  

Một mối quan ngại khác là chương trình hỗ trợ lãi suất có thể gặp rủi ro do các khoản vay được trợ cấp bị sử dụng sai mục đích, bao gồm đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro, như cổ phiếu hoặc bất động sản. Điều này đã xảy ra với một chương trình tương tự vào năm 2009. Để tránh xảy ra tình huống này một lần nữa, cần phải có hướng dẫn rõ ràng và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hữu quan nhằm tăng cường giám sát việc thực hiện chương trình.

Hoạt động của thị trường trái phiếu - một kênh huy động vốn mới của nền kinh tế quốc dân chưa được bền vững. Gần đây khi Việt Nam phát triển thành nước thu nhập trung bình các DN tư nhân phát triển và các tập đoàn tư nhân lớn xuất hiện. Đối với Việt Nam, tập trung đảm bảo cạnh tranh lành mạnh cho dù là DNNN hay DN tư nhân. Bên cạnh thúc đẩy DNNN hoạt động hiệu quả thì sự thao túng của các DN rất quan trọng.

“Việt Nam vẫn thiếu xếp hạng tín nhiệm với phát hành trái phiếu DN. Điều này rất quan trọng vì các DN xếp hạng theo sức mạnh tài chính rất quan trọng. Phải có điều kiện theo đúng quy định của pháp luật. Hơn nữa, cần công khai minh bạch về tài chính cũng như có các tài sản đảm bảo chắc chắn” - ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam nhấn mạnh.