70 năm giải phóng Thủ đô

Việt Nam coi trọng đối thoại và hợp tác quốc tế về quyền con người

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Vừa qua, tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở Geneve, Thụy Sĩ, Hội đồng Nhân quyền LHQ đã khai mạc khóa họp lần thứ 16 với sự tham dự của hơn 70 lãnh đạo cấp cao các nước trên thế giới.

KTĐT - Vừa qua, tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở Geneve, Thụy Sĩ, Hội đồng Nhân quyền LHQ đã khai mạc khóa họp lần thứ 16 với sự tham dự của hơn 70 lãnh đạo cấp cao các nước trên thế giới.

Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đã tham dự phiên họp cấp cao này. Trong phiên khai mạc, chủ đề được nhiều nước quan tâm thảo luận là các vấn đề nhân quyền nổi cộm trên thế giới, nhất là tại Bắc Phi-Trung Đông, đặc biệt là Libya, và việc đánh giá hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân quyền.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Thứ trưởng Thường trực Phạm Bình Minh nêu rõ, tình hình gần đây ở Bắc Phi và Trung Đông cho thấy sự gắn kết chặt chẽ giữa hòa bình, ổn định và việc đảm bảo đầy đủ các quyền con người cơ bản . Ông khẳng định, bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền, trước tiên và cao nhất, là trách nhiệm của các nước liên quan. Ông kêu gọi các bên liên quan tại Libya cùng nhau sớm tìm ra một giải pháp hòa bình cho tình hình hiện nay, không có sự áp đặt, can thiệp từ bên ngoài nhằm đảm bảo ổn định, trật tự của đất nước và an toàn của người nước ngoài, đặc biệt cho những người lao động nhập cư. Thứ trưởng Phạm Bình Minh cũng nhấn mạnh, các nước cần tuân thủ các nguyên tắc phổ quát, minh bạch, khách quan, không thiên vị, chính trị hóa, đối đầu, để Hội đồng Nhân quyền thực sự trở thành một diễn đàn đối thoại và hợp tác của các nước nhằm giải quyết toàn diện và cân bằng những vấn đề nhân quyền.

Thứ trưởng Phạm Bình Minh đã giới thiệu những chính sách, luật pháp và thành tựu đảm bảo quyền con người ở Việt Nam, đặc biệt là về xóa đói giảm nghèo, duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo tốt hơn các quyền cơ bản của người dân. Trong những năm qua, bằng việc kiên trì theo đuổi 3 trụ cột trong Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội là tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội và Nhà nước pháp quyền, các quyền con người ở Việt Nam ngày càng được tăng cường; đồng thời những thành tựu về cải cách luật pháp, tư pháp, hành chính đã góp phần thúc đẩy quyền bình đẳng của công dân, nhất là các quyền được tham gia, phát triển và giám sát. Việt Nam đã được LHQ coi là một trong những điển hình trong công tác xoá đói giảm nghèo, là một trong những quốc gia có nhiều khả năng hoàn thành các Mục tiêu thiên niên kỷ trước thời hạn 2015.

Để có được thành tích đó, Thứ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng đối thoại và hợp tác quốc tế về quyền con người; coi cơ chế kiểm điểm phổ cập định kỳ là công cụ quan trọng để các nước cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm về việc thúc đẩy các quyền con người và Việt Nam hiện đang thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm những khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp nhận. Năm 2010, Việt Nam đã đón 2 chuyên gia độc lập của LHQ về các vấn đề thiểu số, đói nghèo. Trong năm 2011, Việt Nam tiếp tục đón thêm 2 báo cáo viên đặc biệt về tác động của nợ nước ngoài và y tế.

Thứ trưởng Phạm Bình Minh cũng thông báo việc Việt Nam quyết định ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2013-2016, khẳng định Việt Nam sẽ đảm nhiệm tốt vai trò này và sẽ có những đóng góp tích cực vào công việc chung của Hội đồng Nhân quyền, vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng. Theo kế hoạch, khóa họp 16 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc sẽ kéo dài đến ngày 25/3.