Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam - “đất lành” cho ngành bán dẫn

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-“Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam vào tháng 9/2023 làsự kiện lịch sử, vừa để nhìn lại chặng đường chúng ta đã cùng nhau đi qua, vừa tạo tầm nhìn cho tương lai sắp tới” - Tham tán Thương mại Mỹ tại Việt Nam Lynne Gadkowski chia sẻ với Kinh tế & Đô thị.

Sản xuất bảng mạch điện tử tại Công ty TNHH Katolec Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Sản xuất bảng mạch điện tử tại Công ty TNHH Katolec Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Chuyến thăm mở ra những cánh cửa mới

Theo bà Lynne Gadkowski, việc xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện đã mở ra cho Việt Nam và Mỹ những cánh cửa hợp tác mới về giáo dục, năng lượng sạch và khoa học công nghệ nhằm hướng tới một nền kinh tế đổi mới sáng tạo và đưa Việt Nam lên vị trí cao hơn trong chuỗi cung ứng. Mỹ hiện là đối tác chiến lược toàn diện trong việc hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa những mục tiêu này.

 

Nhìn chung, quan điểm của Việt Nam trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo nói chung và ngành công nghiệp bán dẫn rất mạnh mẽ với tầm nhìn vững chắc, ý chí và cam kết chính trị rất rõ ràng. Các bạn đã gieo hạt giống trên nền đất màu mỡ, việc tiếp theo là duy trì để những hàng cây vững chãi mọc lên. Đó cũng là điều mà Chính phủ hai bên Việt Nam và Mỹ đều cam kết và hướng tới.
Tham tán Thương mại Mỹ tại Việt Nam Lynne Gadkowski

Việt Nam đã và đang có những bước chuyển mình lớn và Mỹ sẵn sàng đồng hành trong tiến trình đó. “Tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của môi trường đầu tư ở Việt Nam. Bên cạnh các thành tố hấp dẫn như đất đai, ưu đãi và lao động lành nghề, yếu tố cực kỳ quan trọng khác là khả năng tiếp cận công nghệ xanh; năng lượng xanh, sạch” – bà Lynne Gadkowski nói.

Dẫn chuyến thăm của mình tới trụ sở một DN sản xuất thiết bị y tế và hàng không tại TP Hồ Chí Minh hồi tháng 10, Tham tán Mỹ chia sẻ sự ấn tượng với hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà khép kín hoàn toàn do đơn vị này triển khai. Theo bà, yếu tố mục tiêu bền vững vì môi trường (ESG) cũng là điểm mấu chốt đối với các nhà đầu tư Mỹ nói riêng và toàn cầu ngày nay khi đưa ra lựa chọn về đối tác.

Mặt khác, chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden cùng với quyết định nâng cấp quan hệ song phương Việt Nam – Mỹ cũng góp phần thúc đẩy nền kinh tế số, với nội dung hai bên nhất trí hợp tác bao gồm: xây dựng hệ thống mạng kết nối an toàn, đáng tin cậy, bảo mật; bảo đảm dữ liệu người dùng được bảo mật và quản lý hiệu quả, đồng thời xem xét hợp tác phát triển các lĩnh vực như AI và 5G.

Hiện diện và hợp tác gia tăng trong lĩnh vực bán dẫn

Tham tán Lynne Gadkowski nhận định, đại dịch Covid-19 vừa qua đã cung cấp cái nhìn rõ ràng hơn về thách thức của chuỗi cung ứng nói riêng và đối với những nguyên liệu quan trọng nói chung, bao gồm chất bán dẫn.
Chia sẻ về tiềm năng hợp tác của

Việt Nam trong lĩnh vực này, bà Lynne Gadkowski đề cập tới việc Tập đoàn bán dẫn Amkor với khoản đầu tư 1,6 tỷ USD vào tỉnh Bắc Ninh, được tuyên bố vào tháng 10. Sự hiện diện của những DN quy mô như vậy có thể gia tăng sự đóng góp của Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bên cạnh đó, bà Lynne Gadkowski nhấn mạnh, phía Mỹ cũng đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Việt Nam để xây dựng Chiến lược Bán dẫn Quốc gia Việt Nam thông qua cung cấp những đầu vào quan trọng từ các trung tâm thí nghiệm nghiên cứu và chuyên gia Mỹ. “Một khi hoàn thành, chiến lược sẽ đem lại những cái nhìn rõ ràng hơn về cách Việt Nam nhìn nhận tương lai trong lĩnh vực này” - bà Lynne Gadkowski cho biết.

Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch Intel kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Intel Products Việt Nam Kim Huat Ooi nhận định, trong bối cảnh xu hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa đang chiếm lĩnh toàn cầu, mọi quốc gia và mọi nơi trên thế giới hiện đều cần đến chip bán dẫn – nguyên liệu đầu vào quan trọng cho các thiết bị điện tử, linh kiện. Nhắc đến cột mốc xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ trong chuyến thăm của Tổng thống Biden vừa qua, lãnh đạo tập đoàn công nghệ cao khẳng định, Việt Nam sẽ có thêm cơ hội thu hút FDI vào lĩnh vực đầu tư bán dẫn.

Gần 20 năm trước, Intel là nhà đầu tư công nghệ cao đầu tiên tại Việt Nam.
“Việt Nam đã đi được một chặng đường dài và đến nay không chỉ Intel mà các công ty đa quốc gia khác đã và đang tăng cường hiện diện tại đây” - ông Kim Huat Ooi cho biết.

Nguồn nhân lực – yếu tố sống còn

Nguồn nhân lực được coi là thách thức sống còn đối với nhiều quốc gia trong phát triển thị trường bán dẫn và Việt Nam không ngoại lệ. Dẫn lại chuyến thăm TP Hồ Chí Minh vào tháng trước, Tham tán Lynne Gadkowski cho biết, đơn vị sản xuất bà tới thăm tăng trưởng 50% mỗi năm, nhưng lực lượng lao động chỉ tăng 15%, để minh chứng cho thách thức về thị trường lao động bán dẫn.

Mỹ và Việt Nam đang thảo luận về các hợp tác giáo dục STEM, cũng như việc đào tạo tiếng Anh cho các chuyên gia cấp trung và kỹ thuật. Cơ quan phát triển quốc tế (USAID) cũng đang hợp tác với Bộ Công Thương, Bộ KH&ĐT về chính sách hợp tác bổ sung. “Bên cạnh đó, các DN, nhà đầu tư trên toàn cầu hiện cũng rất coi trọng việc một thị trường có bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn lao động để phòng tránh nạn buôn bán, lạm dụng lao động trẻ em… nhằm bảo đảm chuỗi “cung ứng sạch” - bà Lynne Gadkowski chia sẻ.

Về vấn đề nhân lực, ông Kim Huat Ooi nhận định, Việt Nam có lượng cử nhân cao nhưng vẫn còn thiếu lực lượng có trình độ chuyên môn cao hơn như thạc sĩ và tiến sĩ, trong khi các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D) đòi hỏi trình độ kiến thức và kỹ năng cao hơn.

Để đà tiến của Việt Nam thêm vững chắc

Nhiều DN nước ngoài từng chia sẻ: Việt Nam là cứ điểm thu hút với sự ổn định của hệ thống chính trị - xã hội, lực lượng lao động trẻ và có trình độ học vấn cao, vị trí chiến lược ở trung tâm châu Á với khả năng tiếp cận trực tiếp các tuyến thương mại và kênh vận chuyển quan trọng.

Để phát huy hơn nữa thế mạnh, đại diện lãnh đạo Intel cho rằng Việt Nam nên thúc đẩy các chương trình hỗ trợ DN hiện nay, đặc biệt là thuế suất ưu đãi; cùng với việc hiện đại hóa các chương trình ưu đãi hỗ trợ DN.

Cũng như nhiều lĩnh vực khác bao gồm bán dẫn, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, cũng như cơ sở hạ tầng, đào tạo chuyên môn chất lượng cao hơn cũng là điểm cộng. “Tập đoàn cũng mong muốn lãnh đạo địa phương sẽ trao quyền cho cơ chế một cửa trong việc đưa ra các quyết định đẩy nhanh tương tác trực tiếp với các nhà đầu tư để phát triển bền vững” - ông Kim Huat Ooi nhấn mạnh.

Dẫn kế hoạch đầu tư 140 nghìn tỷ của Chính phủ Việt Nam trong phát triển điện quốc gia, lãnh đạo Tập đoàn Intel cũng cho rằng việc nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, như giao thông và điện là rất quan trọng.
Để tăng năng lực cạnh tranh của

Việt Nam trong thị trường thu hút đầu tư bán dẫn, Tham tán Đại sứ quán Mỹ về thương mại một lần nữa nhấn mạnh yếu tố bảo đảm môi trường đầu tư. Trong thị trường bán dẫn cạnh tranh, rất nhiều thị trường khác trên thế giới có cơ chế “một cửa” thuận tiện dành riêng cho các loại hình đầu tư chiến lược và khoản đầu tư chất lượng cao. “Chúng tôi cũng hy vọng đây là một phần trong tầm nhìn của Trung tâm Đổi mới Sáng tạo của Việt Nam” - bà Lynne bày tỏ.