Việt Nam đề nghị Trung Quốc phối hợp cứu nạn tàu cá bị chìm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thông tin từ Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam, tàu cá của tỉnh Khánh Hòa mang số hiệu KH 96440 TS cùng 5 ngư dân trên tàu đã bị chìm tại khu vực cách đảo Linh Côn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 41 hải lý về hướng Đông Nam.

Bà Phạm Thu Hằng - Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Bà Phạm Thu Hằng - Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Theo thông tin từ Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam, tàu cá của tỉnh Khánh Hòa mang số hiệu KH 96440 TS cùng 5 ngư dân trên tàu đã bị chìm tại khu vực cách đảo Linh Côn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 41 hải lý về hướng Đông Nam. Trong bối cảnh căng thẳng tại Biển Đông đang leo thang, những người dân lương thiện bỗng nhiên trở thành đối tượng dễ bị tấn công nhất trong nghiệp mưu sinh của mình.

Ngay sau khi nhận được  tin về vụ việc, đại diện Cục Lãnh sự đã có công hàm gửi Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, đồng thời chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc ngay lập tức thông báo tới các cơ quan chức năng của Trung Quốc để phối hợp xác minh thông tin, tìm kiếm, cứu nạn các ngư dân của tàu cá KH 96440 TS.

Đây không phải là lần đầu tiên tàu cá của Việt Nam gặp phải các tai nạn trên biển. Trong bối cảnh căng thẳng tại Biển Đông đang leo thang, sự an toàn của công dân các nước vẫn là điều khiến nhiều quốc gia quan ngại nhất. Bởi những người dân lương thiện không sở hữu bất kỳ một loại vũ khí nào, bỗng nhiên trở thành đối tượng dễ bị tấn công nhất trong nghiệp mưu sinh của mình.

Trước đó, truyền thông Philippines đã đưa tin, Trung Quốc điều tàu xung quanh một bãi san hô tranh chấp ở khu vực Biển Đông, ngăn người dân Philippines tiếp cận ngư trường. Sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi giải thích, các tàu tuần duyên nói trên chỉ thực hiện nhiệm vụ cứu hộ một tàu cá bị mắc cạn gần bãi Hải Sâm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam từ cuối năm 2015. Ông Hồng Lỗi nói thêm rằng, trong thời gian đó, các tàu tuần duyên Trung Quốc đã "thuyết phục các tàu cá rời khỏi khu vực để đảm bảo an toàn cho hoạt động qua lại bình thường của tàu thuyền".

Mặc dù sau đó, các tàu Trung Quốc đã rút đi nhưng Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario vẫn tỏ ý nghi ngờ, chưa chắc chắn liệu các tàu của Trung Quốc có quay lại đây hay không.

Chưa bao giờ khu vực thương mại trên vùng biển trọng yếu này lại trở nên mất an toàn và đặc biệt là thiếu lòng tin như hiện tại. Nguy hiểm hơn, thái độ thiếu hợp tác và lập luận ngang ngược cũng như hành động “nói một đằng, làm một nẻo” của Trung Quốc khiến các quốc gia láng giềng mất lòng tin. Chính việc Trung Quốc sử dụng sức mạnh, ngang nhiên bất chấp luật pháp và dư luận quốc tế khiến các nước không còn cách nào khác ngoài việc bắt buộc phải trang bị các vũ khí quân sự nhằm bảo vệ quyền lợi của mình trước mối đe dọa đang lên từ Trung Quốc.

Xét về lợi ích ngắn hạn, việc củng cố vũ khí quốc phòng hay dựa vào một số đồng minh siêu cường về kinh tế cũng như quân sự có thể khiến các quốc gia nhỏ hơn cảm thấy yên tâm trước đe dọa sức mạnh từ nước lớn. Tuy nhiên, trong một khu vực mà sự nghi kỵ giữa các nước láng giềng ngày một lớn, điều này sẽ trở thành bóng đen che phủ các mối hợp tác kinh tế, văn hóa giữa các nước. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm sự an toàn trong vũ lực chỉ khiến các nước lại rơi vào vòng luẩn quẩn nước lớn bá quyền, không chịu lắng nghe nước nhỏ.