Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam - điểm sáng xếp hạng tín nhiệm quốc gia

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm gồm Moody’s, S&P và Fitch đồng loạt nâng triển vọng lên tích cực. Kết quả này được kỳ vọng làm gia tăng thu hút dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam, nâng tầm vị thế đất nước, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển sau đại dịch.

Lắp ráp hàng điện tử tại khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Thanh Hải
Cải cách liên tục trong khâu hoạch định chính sách
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings (“S&P”) thông báo về việc giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, nâng triển vọng từ ổn định lên tích cực. Cơ sở để tổ chức S&P đưa ra quyết định giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia và điều chỉnh tăng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam lên tích cực là sự ghi nhận thành tựu phát triển kinh tế ấn tượng của nước ta và cải cách liên tục trong khâu hoạch định chính sách trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục gây tác động đến kinh tế - xã hội.

S&P đánh giá rằng, tiếp theo mức tăng trưởng GDP năm 2020 thuộc nhóm cao nhất trên toàn cầu, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì ở trạng thái tốt để phục hồi vững chắc trong vòng một đến hai năm tiếp theo. Nguyên nhân là nhờ vào các giải pháp hiệu quả cao của Chính phủ để kiềm chế dịch Covid-19 trong nước, vị thế điểm đến hàng đầu trong Đông Nam Á về thu hút FDI, xuất khẩu tăng trưởng ổn định, nhu cầu nội địa mạnh mẽ và vị thế đối ngoại vững chắc. S&P ghi nhận kết quả tài khóa, nợ công tiếp tục giữ vững tính hiệu quả và linh hoạt, góp phần hỗ trợ kiểm soát đại dịch.

Kết quả này đã khẳng định sự đánh giá cao của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm với thành công của Chính phủ Việt Nam trong việc quyết tâm cao, điều hành quyết liệt để thực hiện “mục tiêu kép”: Vừa phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, phấn đấu đạt tăng trưởng ở mức cao nhất, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh. “Đây cũng là sự nỗ lực của Bộ Tài chính và các bộ, ngành dưới sự chỉ đạo quyết liệt, nhất quán của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc nâng cao hệ số tín nhiệm của quốc gia” - đại diện Bộ Tài chính cho hay.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính, việc Việt Nam giữ và nâng bậc triển vọng quốc gia có tác động tích cực đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Mức xếp hạng tín nhiệm và triển vọng quốc gia được các nhà đầu tư nước ngoài xem xét như một yếu tố để xác định mức độ rủi ro và khả năng sinh lời trước khi có quyết định đầu tư vào quốc gia đó. Do vậy, khi triển vọng tín nhiệm quốc gia tăng lên chứng tỏ quốc gia đó đang có những triển vọng tích cực về mức độ tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Cải cách thể chế, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế

Trong năm 2021 và các năm tiếp theo, mặc dù khó khăn, thách thức là không nhỏ, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh. Một mục tiêu quan trọng nữa là nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế, đẩy mạnh cải cách thể chế song song với nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 để tiếp tục tạo nền tảng vững chắc thực hiện các mục tiêu trung, dài hạn của đất nước và nâng cao vị thế tín nhiệm quốc gia.

Để giữ vững và nâng bậc xếp hạng tín nhiệm quốc gia, theo các chuyên gia, Việt Nam cần có những cải cách mạnh mẽ về thể chế để sớm bước vào nhóm nước có nền kinh tế thị trường. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần tiếp tục nỗ lực để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, chú trọng đến việc nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế với các cú sốc bên ngoài, đẩy nhanh hơn nữa tiến trình tái cơ cấu kể cả ngân sách Nhà nước cũng như khối các tổ chức tín dụng...

Phía Bộ Tài chính, trong thời gian tới, Bộ cùng các cơ quan Chính phủ của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm cũng như tổ chức quốc tế khác để truyền tải thông điệp về quyết tâm, nỗ lực phát triển kinh tế, ổn định xã hội và cải thiện hồ sơ tín dụng của Việt Nam.
Trong năm 2020, đã có 124 lượt hạ bậc và 133 lượt hạ triển vọng trên toàn thế giới; tính đến ngày 21/5/2021, đã có 16 quốc gia bị hạ bậc trên toàn thế giới từ kết quả đánh giá của ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn toàn cầu là Moody’s, S&P và Fitch.