Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam đối phó cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Dĩ bất biến, ứng vạn biến

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung được dự báo còn tiếp tục với những diễn biến khó lường trong năm 2020. Điều này sẽ tác động mạnh mẽ đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực, tận dụng cơ hội từ cuộc chiến, Việt Nam cần chủ động thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao khả năng dự phòng, sức chịu đựng của nền kinh tế. Đặc biệt là đưa ra các biện pháp để bảo vệ hàng hóa trong nước cũng như ngăn chặn hàng hóa nhập lậu từ nước ngoài.

Sản xuất các linh, phụ kiện điện tử tại Công ty TNHH SYNOFEX Việt Nam, Khu Công nghiệp Quang Minh (Hà Nội). Ảnh: Danh Lam
Gia tăng cảnh báo
Để tránh tác động của cuộc chiến thương mại, nhiều DN đang hoạt động tại Trung Quốc bắt đầu rục rịch chuyển sang những quốc gia khác, nhất là các nước lân cận. Điều này tạo ra kỳ vọng là Việt Nam sẽ được hưởng lợi rất lớn từ xu hướng vận động này. Tuy nhiên thực tế là, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chỉ đem lại lợi ích ít ỏi cho Việt Nam, khi các DN có thể bù đắp thiếu hụt hàng hóa trên thị trường Mỹ trong ngắn hạn, nhưng không gây tác dụng tích cực cho nền kinh tế trong dài hạn.
Trong ngắn hạn, một số DN của Việt Nam sẽ hưởng lợi nếu căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang, nhất là nhóm các DN cung cấp sản phẩm lắp ráp đồ điện tử, bán dẫn, da giày, đồ gỗ nội thất… Tuy nhiên, đòn trừng phạt thuế quan của Mỹ sẽ khiến các DN Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu sang những thị trường khác, mà Việt Nam là điểm đến quan tâm hàng đầu. Bên cạnh nỗ lực chuyển hướng xuất khẩu này, xu hướng trượt dốc GDP và khó khăn trong hoạt động xuất khẩu vào thị trường Mỹ cũng buộc các DN Trung Quốc phải thu hẹp sản xuất và hạn chế nhập khẩu. Do nhu cầu nhập khẩu giảm thấp, các quy định về nhập khẩu của Trung Quốc sẽ trở nên khắt khe hơn và các DN xuất khẩu Việt Nam tiếp tục bị phía Trung Quốc ép giá. Điều này đã được minh chứng rõ nét trong thời gian qua, khi hàng loạt mặt hàng nông sản bị phía Trung Quốc từ chối nhập khẩu. Việc đồng Nhân dân tệ (CNY) sẽ tiếp tục mất giá còn khiến hoạt động xuất nhập khẩu của các DN Việt Nam trong quan hệ thương mại với Trung Quốc sẽ trở nên chật vật hơn.
Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ KH&ĐT), xuất nhập khẩu chịu tác động mạnh từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, với mức tác động tăng dần đến đỉnh điểm là giai đoạn 2020 - 2022, sau đó giảm dần. Xuất khẩu có thể giảm 0,45% vào năm 2019 và 0,74% vào năm 2020, trong khi đó nhập khẩu có thể giảm 0,4% vào năm 2019, 0,74% vào năm 2020 và gần 1% vào giai đoạn 2021 - 2022.
Đáng nói, tình trạng phụ thuộc vào nhập khẩu các yếu tố đầu vào cho sản xuất đã khiến giá thành sản xuất của phần lớn DN trong nước đều cao hơn nhiều so với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong điều kiện như vậy, nhập khẩu để tái xuất khẩu đã trở thành thói quen của nhiều DN Việt Nam. Thậm chí, một số DN Việt Nam vẫn tiếp tục bắt tay với các DN Trung Quốc để tránh các quy định của Mỹ về thuế quan.
Theo Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2019 của Việt Nam đạt mốc 500 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch XK đạt 241,7 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2018, đáp ứng chỉ tiêu tăng 7 - 8%. Kim ngạch nhập khẩu đạt 230,7 tỷ USD, tăng 6,6%. Đây là năm thứ 4 liên tiếp Việt Nam xuất siêu (khoảng 11 tỷ USD). Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 55,6 tỷ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi ở chiều ngược lại Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 68,7 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước.
Những diễn biến này diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung liên tục có những diễn biến mới đang đặt ra những nghi ngờ việc Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu sang Việt Nam nhằm gian lận xuất xứ và lách các đòn trừng phạt về thuế? Trong chừng mực nào đó, Chính phủ Mỹ đã nhận thấy điều này và đã có những động thái cảnh báo về việc sẽ áp đặt mức trừng phạt rất nặng nề về tài chính đối với những DN vi phạm. Điển hình như, ngày 2/7/2019, Bộ Thương mại Mỹ ra thông cáo sẽ áp mức thuế 456,23% đối với sản phẩm thép chống gỉ và thép cán nguội xuất khẩu từ Việt Nam do có sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ Đài Loan và Hàn Quốc. Những cảnh báo này tiếp tục được phía Mỹ đưa ra trong thời gian gần đây, nhất là khi nhiều mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam vào Mỹ tăng đột biến cùng với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Tìm những giải pháp ứng phó linh hoạt, hiệu quả
Trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam đang chịu nhiều tác động tiêu cực về mặt thương mại. Trong khi sự gia tăng đơn hàng của phương Tây dịch chuyển từ Trung Quốc sang không lớn, Việt Nam lại đang bị mất sức cạnh tranh và bị lợi dụng trong thương mại. Hàng hóa Trung Quốc được sản xuất với công nghệ tiên tiến hơn, rẻ hơn, đồng thời Trung Quốc lại nắm khâu nguyên liệu đang lấn át hàng Việt Nam ngay tại sân nhà. Số lượng lớn hàng hóa đó lại được tiếp sức từ sự chênh lệch tỷ giá có lợi cho hàng Trung Quốc. Tỷ giá VND/USD giảm 0,2%, nghĩa là đồng VND lên giá, từ đầu năm; trong khi tỷ giá NDT/USD lại tăng tới 4,6%, nghĩa là đồng tiền này giảm giá trong cùng kỳ. Điều này khiến hàng Trung Quốc đang rẻ hơn so với hàng Việt Nam tới gần 5%. Cùng với đó, đồng Việt Nam chịu sức ép lên giá vì dòng vốn nước ngoài sang Việt Nam "tránh bão" chiến tranh thương mại với Mỹ. Còn đồng CNY mất giá vì sự điều chỉnh có ý đồ nhằm chống lại áp lực chiến tranh thương mại với Mỹ. Điều này đang gây bất lợi cho cạnh tranh của hàng Việt với hàng Trung Quốc ngay tại Việt Nam. Đó là lý do giải thích tại sao nhiều chuỗi bán lẻ mọc lên khi có thương chiến Mỹ-Trung và nhiều trong số đó bị phát hiện là hàng Trung Quốc chứ không phải hàng Việt.
Trong dài hạn, căng thẳng Mỹ - Trung được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, CNY sẽ trượt giá sâu và các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rút dần khỏi thị trường Trung Quốc. Đồng thời, phía Mỹ sẽ tăng cường các biện pháp truy xuất nguồn gốc hàng hóa nhằm chặn đứng xu hướng chuyển hàng hóa từ Trung Quốc qua những nước khác để xuất khẩu vào Mỹ. Cùng với Mỹ, EU và những nước phát triển khác về xuất xứ hàng hóa cũng ngày càng khắt khe. Điều này đòi hỏi để hạn chế những tác động tiêu cực, tận dụng cơ hội từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, phía cơ quan quản lý Nhà nước cần rà soát lại những quy định chính sách của Việt Nam; chủ động đưa ra các biện pháp để bảo vệ hàng hóa trong nước cũng như ngăn chặn hàng hóa nhập lậu từ nước ngoài.
Cùng với đó, thường xuyên theo dõi sát sao động thái của ngân hàng trung ương các nước; chủ động đưa ra các biện pháp đối phó với nguy cơ biến động tỷ giá giữa NDT và USD tác động tới thương mại Việt Nam. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước cần sử dụng đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ khác để bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; theo dõi chặt chẽ tình hình, đặc biệt là thông báo, cập nhật danh mục hàng hóa bị áp thuế của cả Mỹ và Trung Quốc, cũng như động thái tỷ giá cả đồng USD và CNY để DN có phản ứng kịp thời. Mặt khác, chủ động xúc tiến thương mại sang các thị trường mới nhằm đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, để có thể đảm bảo mục tiêu xuất nhập khẩu ổn định, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng tiêu cực của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Song song với đó là tiếp tục có những chính sách tốt tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường kinh doanh và đầu tư bởi với vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam là một nước có tiềm năng lớn có thể thay thế vai trò sản xuất của Trung Quốc cho các tập đoàn đa quốc gia muốn hướng tới tiêu thụ sản phẩm ở thị trường Mỹ.
Đối với DN, cần đồng hành cùng Nhà nước trong quá trình đối phó với những biến động xấu đến từ cuộc chiến. Quan trọng hơn cả là nâng cao chất lượng hàng hóa để tăng sức cạnh tranh của các DN sản xuất trong nước và đối với các DN xuất khẩu; nâng cao chiến lược xuất nhập khẩu theo hướng bền vững, trong đó tăng trưởng xuất khẩu cả về chiều rộng và chiều sâu.