Thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho thấy, giá trị sản xuất lâm nghiệp trong 5 năm qua đạt trung bình 6,57%; năm 2017 dự kiến đạt 6,6%. Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đã tăng từ 39,1% năm 2011 lên mức 41,2% năm 2016 và dự kiến cuối năm 2017 sẽ đạt 41,5%. Sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tập trung bình quân đạt 17 triệu m3/năm. Đáng chú ý, Việt Nam hiện đứng thứ 5 thế giới và đứng đầu khu vực Đông Nam Á về giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản; năm 2017, giá trị này ước đạt 7,8 tỷ USD.
|
Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn phát biểu tại hội nghị |
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, dù đã đạt được những kết quả ấn tượng, tuy nhiên, ngành lâm nghiệp Việt Nam vẫn đứng trước nhiều thách thức. Đơn cử như tình trạng phá rừng còn diễn biến phức tạp, giá trị sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi còn thấp, hoạt động của một số công ty lâm nghiệp chưa hiệu quả. Việc chuyển mục đích sử dụng rừng còn thiếu chặt chẽ…
Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, đơn vị quản lý Nhà nước đã được đưa ra nhằm hoàn thiện thể chế quản lý và khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên rừng. Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm được đưa ra là đẩy mạnh thực hiện 4 giải pháp tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm khuyến khích phát triển rừng sản xuất, có chính sách hỗ trợ và gắn người dân với công tác bảo vệ, phát triển rừng. Tập trung giải quyết khâu giống cây trồng lâm nghiệp. Từng bước chuyển hướng khai thác lợi ích từ rừng sang sản phẩm phi gỗ và dịch vụ môi trường rừng; rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn và trồng rừng thâm canh gỗ lớn. Tăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý, bảo vệ và khai thác rừng. Đồng thời, thúc đẩy chế biến và thương mại nhằm nâng cao chuỗi giá trị lâm sản…