Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam đứng trước nguy cơ mất cân đối cung cầu thức ăn chăn nuôi

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Bộ NN&PTNT, trong 10 năm qua, lĩnh vực thức ăn chăn nuôi (TACN) đã có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần giảm giá thành chăn nuôi, tăng chất lượng và bảo đảm an toàn thực phẩm. Dù vậy, lĩnh vực này cũng đang hiện hữu nhiều tồn tại cần sớm được khắc phục.

Sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Tập đoàn Masan. Ảnh: Trọng Tùng. 
Đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện nay, số lượng các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, gia công và buôn bán TACN của Việt Nam đã quá nhiều. Nếu với tốc độ đầu tư như thời gian vừa qua thì đến năm 2020, công suất thiết kế của các nhà máy TACN công nghiệp trong nước sẽ vượt qua 40 triệu tấn/năm. Như vậy, sẽ vượt so với nhu cầu tiêu thụ trong nước khoảng 5 triệu tấn/năm.
Tình trạng mất cân đối về thị phần TACN của doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp nội địa đang diễn ra ngày một rõ nét hơn. Cụ thể, mặc dù chiếm tới 67,9% về số lượng nhà máy nhưng sản lượng sản xuất của các doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm khoảng 40%. Trong khi nhà máy thuộc doanh nghiệp nước ngoài chỉ chiếm 32,1% nhưng sản lượng lại chiếm khoảng 60% và có xu hướng gia tăng mạnh trong thời gian tới.
Bài toán về ích lợi kinh tế, công ăn việc làm và sức cạnh tranh của Doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất TACN với doanh nghiệp nước ngoài cần phải xem xét và cân đối hài hòa. Hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước đang yếu thế về năng lực cạnh tranh so với doanh nghiệp nước ngoài.
Số lượng nguyên liệu TACN nhập khẩu lớn trong khi chưa tận dụng được thế mạnh về nguyên liệu trong nước. Hiện nay, công nghiệp chế biến thức ăn bổ sung, phụ gia của Việt Nam chưa phát triển; hầu hết các nguyên liệu dùng để sản xuất thức ăn bổ sung đều phải nhập khẩu, các loại nguyên liệu thô như ngô, cám mì,… cũng phải nhập khẩu đến trên 75% so với nhu cầu, nhất là các loại thức ăn giàu đạm như khô dầu, bột thịt xương.
Ngành sản xuất TACN chưa tận dụng hết các nguồn thức ăn trong nước (phụ phẩm thủy sản, phụ phẩm quá trình sản xuất rượu bia, thóc gạo và phụ phẩm của ngành sản xuất gạo, phụ phẩm của ngành sản xuất rau quả, mía đường…).
Bên cạnh đó, giá TACN đến tay người chăn nuôi chưa thật sự phù hợp. Do tỷ trọng nhập khẩu lớn, chi phí sản xuất TACN cao, hệ thống phân phối qua nhiều đại lý trung gian, việc quản trị và sản xuất theo chuỗi giá trị chưa phát triển dẫn đến giá TACN đến người chăn nuôi còn chưa thật sự phù hợp.