Với lợi thế môi trường đầu tư thông thoáng, chính trị ổn định, kinh tế - xã hội phát triển bền vững, nguồn nhân lực dồi dào, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tiếp tục tăng trưởng và bứt phá trong năm 2022.
Nhiều “đại bàng” FDI rót vốn mở rộng sản xuất
Ngay trong tháng đầu tiên của năm 2022, Việt Nam đã đón nhận một làn sóng đầu tư mới của các thương hiệu đình đám thế giới. Đầu tiên phải kể đến Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty Liên doanh TNHH Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) xây dựng nhà máy mới tại Việt Nam. Đây là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của LEGO và có phần đầu tư cho sản xuất năng lượng mặt trời, bảo đảm không bị ô nhiễm môi trường, khói bụi và chất thải.
Dự án quy mô đầu tư hơn 1 tỷ USD ở khu đất rộng 44ha, thuộc tỉnh Bình Dương, mang đến 4.000 cơ hội việc làm trong vòng 15 năm tới. Dự kiến, nhà máy được khởi công nửa cuối năm 2022 và hoạt động trong năm 2024.
Sau khi mở nhà máy sản xuất iPad, AirPods tại Khu công nghiệp Quang Châu (tỉnh Bắc Giang), trong tháng 8/2022, Tập đoàn Foxconn - một DN lớn trong chuỗi sản xuất, cung ứng của Apple vừa quyết định đầu tư 300 triệu USD xây thêm nhà máy mới.
Theo đó, Tập đoàn Foxconn đã ký hợp đồng với Công ty CP Khu công nghiệp Sài Gòn - Bắc Giang (SBG) để thuê thêm 50,5ha đất xây nhà máy mới. Sau khi hoàn thành nhà máy mới tại đây, Foxconn sẽ tuyển thêm khoảng 30.000 lao động vào làm việc.
Đến nay, Tập đoàn Foxconn là DN FDI có vốn đầu tư lớn nhất tại Khu công nghiệp Quang Châu. Tổng vốn đầu tư của Foxconn vào khu công nghiệp này những năm qua đạt khoảng 773 triệu USD. Năm 2021, Foxconn cho biết sẽ đầu tư thêm khoảng 700 triệu USD vào Việt Nam để mở rộng sản xuất với kỳ vọng mang về doanh thu khoảng 10 tỷ USD trong những năm tới.
Để đa dạng chuỗi cung ứng sản xuất, tránh phụ thuộc vào một thị trường, 2 năm trở lại đây, nhiều công ty trong chuỗi cung ứng, sản xuất của Apple đã chuyển một phần sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Điều này càng được minh chứng rõ nét hơn khi mới đây, truyền thông thế giới đưa tin “gã khổng lồ” công nghệ Apple có kế hoạch sản xuất đồng hồ thông minh Apple Watch và máy tính MacBook ở Việt Nam. Đây trở thành tin vui mới nhất cho ngành công nghiệp sản xuất trong nước. Cụ thể, một trong hai đối tác sẽ hỗ trợ Apple bắt đầu sản xuất thử nghiệm Apple Watch tại nhà máy đặt ở miền Bắc Việt Nam là Luxshare - một công ty Trung Quốc.
Bên cạnh Apple, đầu năm 2022, Samsung cũng rót thêm 920 triệu USD cho Nhà máy Samsung Điện cơ tại Thái Nguyên; LG sau khi tăng vốn đầu tư từ năm 2021 đã liên tục mở rộng sản xuất; Intel sau khi hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 với 1 tỷ USD, tiếp tục đầu tư thêm gần 500 triệu USD và đang lên kế hoạch đầu tư gấp nhiều lần dự án đang triển khai. Như vậy, hầu hết các “ông lớn” trong ngành công nghệ cao, công nghệ điện tử thế giới như: Intel, Samsung, LG, Goertek, Foxconn, Luxshare, Pegaton… đều có mặt và liên tục mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian qua.
Nhiều chuyên gia kinh tế thế giới phân tích, việc Việt Nam trở thành điểm đến của các tập đoàn công nghệ lớn là nhờ 3 yếu tố: Thứ nhất là môi trường kinh doanh thuận lợi, ổn định về chính trị; Thứ hai là chi phí lao động cạnh tranh; Thứ ba là vị trí địa lý đắc địa với khả năng kết nối với các nền kinh tế lớn trên thế giới.
Sẵn sàng đón làn sóng chuyển dịch đầu tư mới
Những làn sóng dịch chuyển, đầu tư dây chuyền công nghệ cao của nhiều tên tuổi lớn được nhìn nhận sẽ tác động tích cực, thể hiện những điểm sáng về môi trường đầu tư của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Những nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh của Việt Nam trong thời gian qua đã thu hút được các nhà đầu tư trong bối cảnh các tập đoàn đa quốc gia đang đa dạng hóa, tối ưu hóa các chuỗi cung ứng.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài Nguyễn Văn Toàn, việc lựa chọn, thu hút các dự án công nghệ cao hoàn toàn phù hợp với Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng thu hút FDI, trong đó chú trọng các dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ tiên tiến. Trong quá trình đón bắt dòng dịch chuyển sản xuất này sẽ thu hút có chọn lọc, theo định hướng đã đặt ra, tăng tỷ lệ dự án công nghệ cao và đặc biệt là không chấp nhận các dự án mới có công nghệ lạc hậu.
Việc thu hút FDI ở Việt Nam sẽ không chạy theo số lượng, chú trọng chất lượng, hiệu quả và sự liên kết, xây dựng các chuỗi giá trị trong đó có sự tham gia của các DN Việt.
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là dù có nhiều cơ hội nhưng cuộc cạnh tranh thu hút FDI cũng đang diễn ra quyết liệt, đặc biệt là giữa các nước trong khu vực trong bối cảnh hoạt động đầu tư vẫn đang chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng như những căng thẳng địa chính trị trên thế giới.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cho rằng, Việt Nam đã và đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển dịch đầu tư mới, trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng của thế giới bằng cách tiếp tục hoàn thiện thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng để thu hút có chọn lọc, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.
Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung thực hiện biện pháp phát triển các ngành dịch vụ theo chiều sâu; tăng năng suất khu vực dịch vụ và khu vực sản xuất kinh doanh, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng; bổ sung chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ và các chính sách nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư FDI hiệu quả, chất lượng cao.
Ngoài ra, sự phát triển theo cấp số nhân của thương mại điện tử, đặc biệt là sự gia tăng đột biến của hình thái giao thương hiện đại này trong thời kỳ dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhu cầu rất lớn về bất động sản kho bãi, dịch vụ logistics… Trong bối cảnh đó, Bộ KH&ĐT và các bộ, ngành liên quan tiếp tục tham mưu với Chính phủ có thêm những chính sách, cơ chế để ngành công nghiệp hậu cần và kho bãi trở thành một cấu phần quan trọng của ngành bất động sản công nghiệp.
Đề cập về giải pháp hoàn thiện các khu công nghiệp đạt chuẩn quốc tế, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, các khu công nghiệp, khu kinh tế đang được hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhà xưởng với chất lượng quốc tế. Việc nghiên cứu thí điểm một số cụm liên kết ngành tại một số địa phương cũng đang được triển khai nhằm hình thành mạng lưới sản xuất, chuỗi cung ứng và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Hiện nay, Việt Nam có 335 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 100.000ha đang tiếp tục phát triển mạnh để đáp ứng nhu cầu đầu tư, sản xuất của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các khu công nghiệp đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng bền vững hơn về kinh tế - xã hội và môi trường.
"Việt Nam cần sẵn sàng về hạ tầng, môi trường đầu tư, các chính sách phù hợp với định hướng thu hút FDI chất lượng cao theo Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị. Bên cạnh đó, các DN trong nước cũng cần nâng cao năng lực để liên kết, tham gia chuỗi sản xuất." - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp Học viện Tài Chính
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), vốn FDI thực hiện tại Việt Nam trong 7 tháng năm 2022 được đánh giá là điểm sáng, với con số ước đạt 11,57 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2021, cao nhất trong 5 năm qua (2018 - 2022). Hà Nội xếp thứ 3 cả nước khi trong 7 tháng năm 2022, thu hút FDI đạt 979,7 triệu USD, trong đó 201 dự án mới với tổng vốn đầu tư đạt 130,54 triệu USD; 109 lượt tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 375,7 triệu USD; 242 lượt góp vốn với số vốn góp đạt 473,5 triệu USD.