Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam kiểm soát dịch AIDS dưới 0,3% trong 10 năm liên tục

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong 10 năm liên tục, Việt Nam đã kiểm soát dịch AIDS dưới 0,3%; đã điều trị cho gần 60.000 người nghiện ma túy bằng thuốc Methanol; đang điều trị ARV cho khoảng hơn 50.000 bệnh nhân; 100% bệnh nhân được mua miễn phí thẻ BHYT.

Ngày 27/11, Ban Quản lý Dự án VUSTA-Dự án Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS tham vấn ý kiến cộng đồng về chuyển giao dịch vụ công trong phòng chống HIV/AIDS nhằm chia sẻ thông tin và đề xuất các giải pháp  về chuyển giao dịch vụ công đối với các tổ chức xã hội.
TS khoa học Nghiêm Vũ Khải - Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.

TS khoa học Nghiêm Vũ Khải - Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho biết, thời gian qua, Việt Nam cũng như các tổ chức quốc tế, trong đó có UNAIDS đã và đang tích cực thực hiện mục tiêu tổng quát 90-90-90 và chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030; đồng thời tiến hành các biện pháp cụ thể.
Đơn cử, cung cấp các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS cho người tiêm chích ma túy, phụ nữ bán dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới và chuyển giới nữ. Củng cố các hệ thống cộng đồng bền vững và tương thích. Thúc đẩy môi trường pháp lý thuận lợi cho các nhóm đối tượng chính của dự án tiếp cận với dịch vụ y tế.
Các tổ chức xã hội và tổ chức cộng đồng (CSO) đóng vai trò quan trọng trong tiếp cận và cung cấp các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS cho các nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao.
Đại diện Dự án VUSTA cho biết, trong 3 năm (2017 - 2019), VUSTA đã cung cấp dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS với kết quả: Năm 2017, dự án đã tiếp cận và chuyển gửi, phát hiện được 2.415 ca HIV dương tính chiếm 3,7% trong số những người xét nghiệm. Năm 2018, là 2.058 ca chiếm 3,8%; 9 tháng đầu năm 2019 là 1.855 ca chiếm 3,9%. Ngoài ra, Dự án còn cấp phát vật phẩm y tế như bao cao su, bơm kim tiêm, chất bôi trơn… Các CSO đã có nhiều hoạt động trong vận động chính sách.
Đơn cử như, đóng góp ý kiến của cộng đồng cho sửa đổi các luật như: BHYT, trọ giúp pháp lý, phòng chống HIV/AIDS, dự thảo chuyển đổi giới tính. Tư vấn pháp luật miễn phí qua đường dây nóng. Trung bình mỗi năm tư vấn cho hơn 2.000 cuộc gọi. Hội Luật gia các tỉnh tiến hành giáo dục pháp luật lưu động tại cơ sở: 40 cuộc gọi tại các tỉnh; trợ giúp cho 20 trường hợp cụ thể.
Đại diện UNAIDS Việt Nam chia sẻ tại hội thảo.
Bên cạnh đó, Dự án cũng hỗ trợ cho người có "H" tuân thủ điều trị. Trong đó, năm 2018, Dự án hỗ trợ cho 4.459 người có "H" tuân thủ điều trị ARV cũng như tiếp cận thẻ BHYT; 9 tháng năm 2019, hỗ trợ 3.821 người. Dự án cũng có những hình thức chia sẻ  kiến thức và kinh nghiệm…
Trong 10 năm liên tục, Việt Nam đã kiểm soát đại dịch AIDS dưới 0,3%; đã điều trị cho gần 60.000 người nghiện ma túy bằng thuốc Methanol; đang điều trị ARV cho khoảng hơn 50.000 bệnh nhân; 100% bệnh nhân được mua miễn phí thẻ BHYT.
Những năm qua, các tổ chức xã hội có nhiều đóng góp tích cực trong việc cung cấp dịch vụ công trong phòng chống HIV/AIDS. Tuy nhiên, sự đóng góp còn nhiều hạn chế, khó khăn, tập trung vào các rào cản: Nhận thức, cơ chế chính sách, ngân sách, hệ thống tổ chức…
“Để phát huy hiệu quả vai trò của các CSO, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (VAAC), Bộ Y tế cần xây dựng hướng dẫn cũng như có cơ chế chính sách cho phép các CSO được tham gia đấu thầu các dịch vụ liên quan đến HIV/AIDS. Thí điểm hợp đồng xã hội với CSO trong lĩnh vực HIV/AIDS”- đại diện VUSTA kiến nghị.
Đưa ra một số giải pháp thúc đẩy hợp đồng xã hội (HĐXH) trong phòng chống HIV/AIDS, PGS.TS Trần Kim Chung - Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư cho rằng, trước mắt, Bộ Y tế cần tích cực vận động các tổ chức quốc tế hỗ trợ tài chính thí điểm HĐXH, làm cơ sở cho việc xây dựng và ban hành văn bản pháp luật, các hướng dẫn triển khai về HĐXH.
Cùng với đó, các địa phương chủ động rà soát các nguồn hỗ trợ quốc tế, qua đó xây dựng kế hoạch cân đối tài chính thay thế nguồn viện trợ bị cắt giảm cho công tác phòng chống HIV/AIDS trình các cơ quan hữu quan xem xét, phê duyệt.
Quang cảnh hội thảo.
Đối với các khoản chi chưa có định mức kinh tế, kỹ thuật, hoặc định mức chưa phù hợp với thực tế tại địa phương, Sở Y tế phối hợp với Sở Tài chính tỉnh/TP xây dựng các định mức chi phù hợp với từng địa phưomg trình HĐND phê duyệt.
Ngoài ra, nghiên cứu thí điểm HĐXH tại một số địa phương đã hội đủ các điều kiện về nguồn lực (tài chính, con người) cũng như tại địa phương chưa hội đủ các điều kiện để triển khai HĐXH đầy đu để có cơ sở so sánh và có giải pháp khi triển khai mở rộng.
“Các đơn vị liên quan tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính trong tiếp cận vốn vay cho các tổ chức xã hội (TCXH) thực hiện các dự án về dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS theo cơ chế đặc thù riêng. Tiếp tục đơn giản hoá các thủ tục hoàn thuế cho các hoạt động phúc lợi của các TCXH. Xóa bỏ phân biệt trong việc hỗ trợ hoạt động thiện nguyện. Nâng caọ năng lực, nhận thức của các TCXH, DN và Nhà nước và cộng đồng về vai trò của các TCXH trong cung ứng các dịch vu công, gồm dich vụ phòng chống HIV/AIDS” - PGS.TS Trần Kim Chung nhấn mạnh.