Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam là nơi sinh sống của 10% số loài chim, thú trên thế giới

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 23/5, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2018. Sự kiện đánh dấu 25 năm công ước đa dạng sinh học có hiệu lực và những thành tựu đạt được trên toàn cầu trong suốt những năm qua.

Quang cảnh buổi tọa đàm.
Theo đại diện UNDP, Việt Nam được quốc tế công nhận là một trong những quốc gia có tính đa dạng sinh học cao với nhiều kiểu rừng, đầm lầy, sông suối, rạn san hô... tạo nên môi trường sống cho nhiều loại động, thực vật hoang dã. Ước tính có khoảng 10% số loài chim, thú hoang dã trên thế giới và nhiều loài thực vật quý, hiếm làm nguồn dược liệu quan trọng đang sinh sống tại Việt Nam. Do vậy, bảo tồn đa dạng sinh học luôn giành được sự quan tâm đặc biệt.
Chương trình nghệ thuật Kỷ niệm 25 năm hành động vì đa dạng sinh học được tổ chức với những tiết mục nghệ thuật đặc sắc hưởng ứng ngày đa dạng sinh học, cùng buổi tọa đàm với các khách mời bao gồm đại diện Tổng cục Môi trường, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, đại diện UNDP, Anh hùng đa dạng sinh học Đặng Huy Huỳnh. Mục đích của tọa đàm là thảo luận để đi đến thống nhất về các hành động mà các cơ quan quản lý các cấp và cộng đồng cùng chung tay góp sức bảo tồn đa dạng sinh học, hướng tới phát triển bền vững đất nước.

Đánh dấu 25 năm công ước đa dạng sinh học có hiệu lực. Trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam cùng với sự hỗ trợ của UNDP và các tổ chức quốc tế khác đã chủ động tham gia nhiều hiệp ước quốc tế và tăng cường hợp tác khu vực và toàn cầu để giải quyết các vấn đề bảo tồn và sử dụng bền vững về đa dạng sinh học.
Những cam kết quốc tế đã được nhanh chóng nội luật hóa trong các chính sách, pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học. Việt Nam là một trong những nước tích cực thực hiện các nghĩa vụ đối với Công ước Đa dạng sinh học; thuộc nhóm nước thành viên đầu tiên của Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen; trở thành thành viên của nhiều đối tác, sáng kiến quốc tế: Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN, Đối tác về khu bảo tồn khu vực châu Á, Diễn đàn Liên chính phủ về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái, Sáng kiến toàn cầu về bảo tồn hổ…

 Các thí sinh được trao giải thưởng hùng biện
“Đa dạng sinh học ở Việt Nam mang lại những lợi ích trực tiếp cho con người và đóng góp to lớn cho nền kinh tế, mang lại sinh kế cho người dân và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, tài nguyên đa dạng sinh học của Việt Nam hiện vẫn đang tiếp tục trên đà suy thoái; các hệ sinh thái thu hẹp, bị chia cắt và suy giảm chất lượng; các loài nguy cấp đang gia tăng. Do đó việc nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học và quản lý và sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học là hết sức cần thiết…”, bà Akiko Fujii - Phó Giám đốc Quốc gia UNDP tại Việt Nam cho biết.
Tại chương trình, Bộ TN&MT và UNDP đã tiến hành tổng kết và trao giải Cuộc thi tranh biện dành cho các bạn học sinh, sinh viên với chủ đề “Sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học”. Cuộc thi là cơ hội để khích lệ các bạn trẻ có thêm động lực học tập, nghiên cứu, sáng tạo, phát triển các ý tưởng, mô hình mới về đa dạng sinh học phục vụ cho phát triển bền vững.
Kết quả cuộc thi Tranh biện gồm: 1 Giải Nhất: 2 bạn Trần Tuấn Anh (HV Báo chí & Tuyên truyền), Ngô Thị Ngân Hoa (Đại học Kinh Tế Quốc Dân). 1 Giải Nhì: 2 bạn Trịnh Như Phương (Đại học Ngoại Thương), Trần Lê Anh (THPT Chu Văn An). 2 Giải Ba: Nguyễn Minh Lộc (Học Viện Ngoại giao), Đào Hải Nhật Tân (THPT Chuyên Bắc Ninh), và Nguyễn Duy (Đại học Y Hà Nội), Dương Văn Hùng (Đại học Kiểm Sát Hà Nội).