Thiệt hại lên tới 1,5% GDP mỗi năm
Tại buổi lễ, ông Đinh Diệp Anh Tuấn (Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ) cho hay, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã chỉ ra ĐBSCL là một trong 3 vùng đồng bằng bị tác động lớn nhất do biến đổi khí hậu (BĐKH) trên toàn cầu.
Tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán, sụt lún, sạt lở… đã diễn biến phức tạp trong những năm gần đây. Những tác động của BĐKH có thể được dự báo trong thời gian tới như: Nhiệt độ mùa Hè cao hơn bình thường; mưa phân phối bất thường ở các vùng; mực nước biển dâng cao; lũ lụt bất thường hơn; biến đổi lưu lượng nước sông; khô hạn đến sớm hơn và kéo dài hơn; nước mặn xâm nhập sâu vào nội địa; xói mòn đất đai…
Dẫn kết quả khảo sát với tựa đề “BĐKH: Từ thách thức đến cơ hội cho doanh nghiệp vùng ĐBSCL” của nhóm nghiên cứu VCCI, ông Tuấn cho biết, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi thời tiết cực đoan.
Thiệt hại về kinh tế do BĐKH có thể lên tới khoảng 1,5% GDP mỗi năm tại Việt Nam và có thể còn tiếp tục gia tăng trong tương lai (theo Ngân hàng Thế giới). Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH, Chiến lược quốc gia về BĐKH cùng nhiều hành động khác. Tuy nhiên, doanh nghiệp còn thiếu thông tin và sự chuẩn bị để ứng phó với BĐKH, mức độ chia sẻ thông tin còn hạn chế…
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát 10.356 doanh nghiệp (8.773 doanh nghiệp dân doanh và 1.583 doanh nghiệp FDI). Đây là khảo sát doanh nghiệp có quy mô lớn nhất về chủ đề BĐKH tại Việt Nam từ trước đến nay.
Theo kết quả nghiên cứu, quan sát của doanh nghiệp cho thấy BĐKH xảy ra thường xuyên hơn trong 5 năm qua. Hầu hết doanh nghiệp đánh giá nắng nóng và nhiệt độ tăng là những mối nguy phổ biến. Tình trạng ngập, đặc biệt là ngập tại những khu vực trước nay ít bị ngập cũng được đánh giá xảy ra thường xuyên hơn, đặc biệt là các doanh nghiệp ở khu vực đô thị.
Doanh nghiệp các tỉnh duyên hải miền Trung và ĐBSCL cảm nhận rõ nhất tình trạng BĐKH, tiếp đến là các vùng Tây Nguyên, Miền núi phía Bắc, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng.
Trả lời câu hỏi BĐKH và rủi ro thiên tai đã có tác động cụ thể như thế nào đến các doanh nghiệp? Các hệ quả được doanh nghiệp ở ĐBSCL kể ra như: Gián đoạn sản xuất kinh doanh, suy giảm doanh thu, giảm năng suất lao động, gián đoạn kênh vận chuyển, tăng chi phí sản xuất, đình trệ mạng lưới phân phối, thiệt hại cơ sở vật chất, giảm chất lượng sản phẩm/dịch vụ, thiếu nguồn nguyên vật liệu sản xuất, thiếu hụt nhân lực.
Trên 50% doanh nghiệp đều cho rằng những tác động này đến đơn vị ở mức tương đối nhiều cho đến rất nhiều. Trong đó, gián đoạn quá trình sản xuất và làm giảm doanh thu được hầu hết doanh nghiệp cho là có ảnh hưởng của tác động BĐKH ở mức tương đối đến cao.
Kết quả đánh giá cũng cho thấy nông nghiệp là ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất trong số các ngành nghề sản xuất của doanh nghiệp. Đặc biệt, tăng chi phí sản xuất và chất lượng của sản phẩm…
Nghiên cứu cũng chỉ ra những nhận diện cơ hội của các doanh nghiệp ở ĐBSCL như: Tái cơ cấu, sắp xếp lại sản xuất kinh doanh; tạo sản phẩm, dịch vụ mới; phát triển thị trường mới; xây dựng thương hiệu…
Lý do doanh nghiệp tiến hành các hành động ứng phó rủi ro thiên tai và BĐKH là do doanh nghiệp tự thấy cần thiết. Điều này cho thấy BĐKH đã ảnh hưởng rõ ràng và trực tiếp đến doanh nghiệp, cũng như doanh nghiệp luôn có những nhận thức về tác động BĐKH. ĐBSCL là vùng có tỷ lệ doanh nghiệp có sử dụng sản phẩm bảo hiểm để phòng chống rủi ro nhiều nhất trong các vùng trên cả nước.
“Trong cái khó ló cái khôn”
Mạng lưới các doanh nghiệp thích ứng với BĐKH vùng ĐBSCL (Mekong Delta Resilient Business Network - MRBN) được thành lập bởi VCCI Cần Thơ cùng với Quỹ Châu Á (TAF) dưới sự tài trợ của Tập đoàn chuyển phát Quốc tế UPS (Hoa Kỳ) tại thị trường Việt Nam. Đây là mạng lưới doanh nghiệp thích ứng với BĐKH đầu tiên của cả nước.
Ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc VCCI Cần Thơ, Chủ tịch MRBN cho hay, ĐBSCL là vùng chịu ảnh hưởng rất lớn của BĐKH, cũng là vùng an ninh lương thực của Việt Nam và thế giới. Việc thích ứng BĐKH là trách nhiệm của Chính phủ, chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Đảng, Nhà nước đã có nhiều quyết sách, riêng vùng ĐBSCL có Nghị quyết 120, quy hoạch vùng… cho thấy sự quan tâm đến vấn đề này ngày một rõ hơn.
Theo ông Lam, MRBN hiện đã có 39 doanh nghiệp thành viên đầu tiên, đây cũng là những đơn vị sẵn sàng đóng góp cho cộng đồng. Bước đầu MRBN đã ghi nhận doanh nghiệp vùng ĐBSCL chịu ảnh hưởng rất nặng nề, nhất là trong nông nghiệp, nhưng cũng cho thấy sự thích ứng rất cao, “trong cái khó ló cái khôn” của các doanh nghiệp như về kỹ thuật canh tác, kế hoạch sản xuất kinh doanh dần thích nghi và có sáng tạo đột phá mới, giúp doanh nghiệp duy trì và hoạt động tốt hơn.
“Chúng tôi kỳ vọng mạng lưới sẽ đem lại những giá trị tích cực không chỉ cho vùng ĐBSCL mà còn cho cả nước và thế giới. Không chỉ là nơi có những sáng kiến, là nơi trao đổi… mà còn để tham mưu cho Chính phủ trong hoạch định chính sách, đóng góp cho sự phát triển của quốc gia và thế giới” - ông Lam chia sẻ.