Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Việt Nam luôn quan tâm bảo vệ động vật hoang dã

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 17/11, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tham dự phiên khai mạc hội nghị quốc tế cấp cao lần thứ 3 về chống buôn bán trái pháp luật các loài động vật, thực vật hoang dã.

Cùng dự có Phó Thủ tướng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Sonsay Siphandone, Hoàng tử Vương quốc Anh Wiliam, Phó Tổng thư ký Liên Hợp quốc Yury Fedotov và gần 100 đại biểu đại diện lãnh đạo các tổ chức liên Chính phủ, tổ chức quốc tế.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại hội nghị.
Hội nghị Hà Nội về chống buôn bán trái pháp luật các loài động vật, thực vật hoang dã nhằm thể hiện cam kết quốc tế ở mức cao nhất trong việc chống buôn bán trái pháp luật các loài động vật, thực vật hoang dã. Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nêu rõ, Việt Nam luôn quan tâm đến việc bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ các loài động vật hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp.
Việt Nam cũng là quốc gia sớm tham gia các Công ước Liên Hợp quốc về đa dạng sinh học, Công ước về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp... Việt Nam ưu tiên thành lập các lực lượng chuyên trách thực hiện pháp luật trong lĩnh vực này như: Kiểm lâm, Cảnh sát môi trường, Hải quan, Bộ đội biên phòng, Quản lý thị trường...

Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, ngăn chặn hoạt động buôn bán trái pháp luật động vật, thực vật hoang dã quý hiếm là vấn đề toàn cầu. Để bảo vệ hiệu quả các loài động vật, thực vật hoang dã, cộng đồng quốc tế cần có cách tiếp cận tổng thể, trong đó chú trọng và thực hiện đồng bộ các giải pháp như hoàn thiện thể chế pháp luật và thực thi hiệu quả pháp luật, xóa bỏ các thị trường tiêu thụ bất hợp pháp. Đồng thời phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư sống trong các khu bảo tồn thiên nhiên và tăng cường hợp tác, điều phối quốc tế.

Theo chương trình, hội nghị sẽ thông qua Tuyên bố Hà Nội về chống buôn bán trái pháp luật động vật, thực vật hoang dã với các hành động cụ thể gồm: Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật của từng quốc gia để đảm bảo truy tố, xét xử tội phạm vi phạm các quy định quản lý động vật, thực vật hoang dã; tăng cường thực thi luật chống tội phạm săn bắt, buôn bán trái pháp luật động vật, thực vật hoang dã thông qua điều phối và hợp tác quốc tế, hợp tác vùng, hợp tác liên ngành…