Gần đây một chương trình nghiên cứu cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng mã số KC.05.02/16-20 của bộ khoa học công nghệ, do TS Bùi Minh Định giảng viên Viện điện, Đại Học Bách Khoa Hà Nội làm chủ nhiệm đề tài. Sau 2 năm triển khai thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã thiết kế và chế tạo 4 dãy động cơ điện đồng bộ nam châm vĩnh cửu, khởi động trực tiếp công suất 2,2kW; 5kW; 7,5kW và 11kW đạt tiêu chuẩn hiệu suất IE2.
Kết quả nghiên cứu của đề tài hiện đang chuyển giao cho công ty Cổ phần Điện cơ Hà Nội, công ty Ánh Dương sản xuất và thương mại một loại động cơ điện mới hiệu suất cao và tăng sức cạnh tranh cao hơn trên thị trường. Động cơ đồng bộ nam châm vĩnh cửu hoàn toàn đáp ứng được việc thay thế cho các động cơ nhập ngoại của các hãng khác tại Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Duy Trinh - Giám đốc Công ty Ánh Dương “Việc sản xuất stator và rotor - động cơ điện dành cho mô tơ hiệu suất cao đã đạt kết quả rất tốt. Trong thời gian tới Công ty sẽ hoàn thiện các sản phẩm và sẽ ứng dụng đưa ra sản xuất đại trà và đưa vào thị trường”.
Hiện nay, trên thị trường các loại động cơ hiệu suất IE2 trở lên chủ yếu nhập khẩu từ các nước châu Âu, với giá thành cao. Việc triển khai nghiên cứu, thiết kế và chế tạo động cơ tiết kiệm điện và hiệu suất cao trong nước là rất cần thiết và quan trọng, nhằm giảm thiểu tổn hao năng lượng điện, giá thành hợp lý, chiếm lĩnh thị trường nội địa và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành chế tạo máy điện. Ngoài ra còn của các ngành công nghiệp khác có ứng dụng truyền động điện.
Trao đổi với phóng viên, TS Bùi Minh Định chủ nhiệm đề tài cho biết: “Sau khi làm xong luận văn tiến sĩ ở trường Đại học Tổng hợp Berlin, CHLB Đức, kết thúc vào tháng 4 năm 2014. Về nước, tôi luôn trăn trở làm sao để tự tay làm ra sản phẩm động cơ có hiệu suất cao hơn động cơ hiện nay đang sử dụng. Ở các nước châu Âu từ lâu họ đã sử dụng các động cơ có hiệu suất cao và rất tiết kiệm năng lượng, nhưng ở Việt Nam vấn đề dùng động cơ hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng chưa được chú trọng nhiều.
Nếu như tất cả các động cơ điện chỉ cần nâng lên một cấp hiệu suất thì có thể tiết kiệm được 2 - 3%, thậm chí với động cơ tiết kiệm tốt hơn có thể tới 5% lượng điện tiêu thụ của cả nước. Tóm lại nếu như đồng loạt các động cơ điện nâng cao hiệu suất từ cấp 1 đến cấp 2, thậm chí lên cấp 3 thì sản lượng điện của Việt Nam hiện nay đang sử dụng sẽ tiết kiệm được 3% của 60% sản lượng điện quốc gia”.
“Đây là một trong những đề tài đã hoàn thành đúng thời hạn, các sản phẩm của đề tài cũng đạt được một hàm lượng khoa học rất là tốt, có tính ứng dụng cao. Với việc phối kết hợp với công ty Điện cơ Hà Nội trong thời gian tới những sản phẩm nghiên cứu của đề tài sẽ được cơ quan, công ty tiếp nhận và có thể sản xuất thương mại hóa nhằm nâng cao tính cạnh tranh, giảm được chi phí nhập khẩu các trang thiết bị về động cơ điện”. PGS.TS Phạm Hoàng Lương - chủ nhiệm chương trình đề tài cho biết thêm
Việc nhóm nghiên cứu cho ra những sản phẩm động cơ tiêu hao ít nguyên vật liệu và đạt được các thông số kỹ thuật theo yêu cầu là một trong những bước đi tiên phong cho sự phát triển thêm các dãy động cơ điện hiệu suất siêu cao IE3, sánh ngang tầm với ngành sản xuất động cơ điện của các nước trên thế giới.