Việt Nam phát triển 6G: Ưu thế của người dẫn đầu

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không chỉ thuộc Top đầu thế giới về thương mại hóa 5G, Việt Nam đang có những bước đi đầu tiên nhằm tham gia vào “đường đua” 6G mới được khai mở trên thế giới trong khoảng 2-3 năm trở lại đây.

Nghiên cứu 6G ngay trong 2022

Mặc dù không thuộc nhóm những quốc gia tiên phong trong việc phát triển 5G nhưng có thể khẳng định hiện Việt Nam đang thuộc Top đầu thế giới về việc thương mại hóa công nghệ di động mới, đầy tiện lợi này. Với việc nhanh chóng bắt tay triển khai 5G trong vài năm trở lại đây, dự kiến các nhà mạng của Việt Nam sẽ tạo ra được nguồn thu khổng lồ lên tới 300 triệu USD/năm kể từ năm 2025.

Việt Nam đặt kế hoạch nghiên cứu phát triển 6G trong năm nay.
Việt Nam đặt kế hoạch nghiên cứu phát triển 6G trong năm nay.

Theo thống kê, trong năm 2021, 3 nhà mạng Viettel, VNPT, MobiFone đã thử nghiệm 5G tại 16 tỉnh/TP trên cả nước với hơn 500.000 thuê bao sử dụng. Cùng với đó, Bộ TT&TT cũng đang trong những bước chuẩn bị cuối cùng để chính thức cấp phép cho các nhà mạng trên thương mại hóa 5G ngay trong năm 2022 này. 

Về phía các doanh nghiệp, để bắt kịp với cuộc đua 5G, không chỉ gia tăng vùng phủ sóng mà các công nghệ lõi và thiết bị đầu cuối cũng được chú trọng phát triển với định hướng Make in Vietnam.

Tiêu biểu, Viettel đã nghiên cứu thành công và triển khai thử nghiệm cụm 5G hoàn chỉnh gồm mạng lõi 5G Core, mạng truyền dẫn Site Router 100G, mạng vô tuyến gNodeB Micro và Macro. Đây là bước tiến dài của nhà mạng trong nước, nếu biết với 2G và 3G chủ yếu các công nghệ được sử dụng đều do doanh nghiệp nước ngoài cung cấp.

Nắm bắt được lợi thế của các quốc gia dẫn đầu về công nghệ, đặc biệt là trong mảng viễn thông cũng như kết quả nổi bật có được từ việc triển khai sớm 5G, Việt Nam đã có những bước chuẩn bị rõ ràng đầu tiên nhằm tham gia “đường đua” 6G.

Theo đó, mới đây, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo thúc đẩy nghiên cứu phát triển công nghệ thông tin di động 6G do Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng làm Trưởng Ban và Cục Viễn thông là đơn vị thường trực.

Được biết, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo là nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý, thúc đẩy nghiên cứu, phát triển về tiêu chuẩn, ứng dụng, an toàn thông tin, sản xuất và thương mại hóa thiết bị, dịch vụ thông tin di động 6G tại Việt Nam

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo sẽ đóng góp vào hoạt động của các tổ chức quốc tế trong hoạt động nghiên cứu, phát triển tiêu chuẩn công nghệ thông tin di động 6G trên cơ sở hỗ trợ, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất thiết bị và triển khai thương mại dịch vụ thông tin di động 6G của doanh nghiệp Việt Nam.

Ban chỉ đạo cũng theo dõi, tổng hợp tình hình nghiên cứu, phát triển về tiêu chuẩn, sản xuất và thương mại hóa thiết bị, dịch vụ thông tin di động 6G của các tổ chức quốc tế, các quốc gia tiên tiến trên thế giới; kết hợp nghiên cứu, dự báo xu hướng phát triển của thị trường viễn thông trong nước và quốc tế...

Trên cơ sở đó đề ra lộ trình nghiên cứu, sản xuất và thương mại hóa thiết bị 6G, lộ trình thử nghiệm và thương mại hóa dịch vụ 6G, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong sản xuất và thương mại hóa thiết bị, dịch vụ 6G.

Nói về việc Việt Nam sớm tham gia “đường đua” 6G, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, để viễn thông có thể phát triển, thay vì đi theo, chúng ta phải đi đầu. Để Việt Nam thuộc nhóm đứng đầu thế giới về phát triển 5G và 6G, cần phân bổ tần số 5G và phát triển mạng 5G toàn quốc, khởi động nghiên cứu 6G ngay trong năm 2022.

Việt Nam phải đi cùng Top đầu thế giới về công nghệ 6G, hạ tầng viễn thông phải thuộc nhóm dẫn đầu thế giới, lọt vào Top 30 năm 2025. Chất lượng mạng lưới phải tương đương với các nước phát triển. Tần số sẽ được Bộ cấp phép có thể vào năm 2028 trước khi thương mại hóa 6G, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Đi trước - Đón đầu

Trên thực tế “đường đua” 6G không phải quá đông khi mới chỉ có những cường quốc về viễn thông - công nghệ góp mặt như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Tuy nhiên, tất cả đều đang trong quá trình thử nghiệm và dự kiến được thương mại hóa vào năm 2030. Như vậy, Việt Nam đang có cơ hội rất lớn trong việc tự chủ hoặc thậm chí là dẫn dắt công nghệ 6G. Ngay ở hiện tại, các nhà mạng trong nước đã có những kế hoạch nhằm hiện thực hóa mục tiêu trên.

Trao đổi tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 3 được tổ chức vào cuối năm 2021, cựu Chủ tịch Viettel Lê Đăng Dũng cho biết, mặc dù đơn vị đang trong quá trình phát triển công nghệ bán dẫn để sản xuất chipset 5G nhưng muộn nhất vào năm 2023, Viettel sẽ triển khai nghiên cứu 6G để chờ thời điểm ứng dụng vào năm 2028, chậm nhất vào năm 2030.

Đến năm 2023, công nghệ 6G trên thế giới sẽ có tiếng nói của Viettel và Viettel sẽ đóng góp không ít bằng sáng chế, đặt ra những tiêu chuẩn trong ngành viễn thông, được Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) công nhận, cựu lãnh đạo Viettel chia sẻ tầm nhìn của Tập đoàn.

Những mục tiêu mà Viettel đặt ra hoàn toàn có cơ sở thực hiện được, nếu biết ở thời điểm hiện tại, họ đã làm chủ toàn bộ hệ sinh thái viễn thông mạng 4G trên cả ba lớp mạng với các nền tảng công nghệ ảo hóa, lưu trữ dữ liệu phân tán... Đối với 5G, Viettel hiện đã làm chủ và đưa vào khai thác thử nghiệm trên mạng lưới đối với thiết bị lớp mạng lõi, thiết bị thu phát 8T8R. Đồng thời, Viettel cũng đã thiết kế, làm chủ 2 dòng chipset của thiết bị thu phát 5G và chúng có thể được ứng dụng rộng rãi cho các hệ thống thu phát wifi, thông tin, ra đa...

Nhận định về việc Việt Nam tham gia 6G từ rất sớm, chuyên gia công nghệ Nguyễn Thành Đoàn cho rằng đây là quyết định hoàn toàn đúng đắn. Bởi theo xu hướng phát triển trên thế giới, mỗi chu kỳ 10 năm là một thế hệ mạng di động mới được triển khai. Dự kiến, năm 2030 mạng 6G sẽ được thương mại hóa. Đây là quãng thời gian đủ dài để nhà mạng trong nước đi tắt - đón đầu công nghệ mạng mới.

Trên thực tế, hãng Huawei (Trung Quốc) là một ví dụ điển hỉnh của việc sớm nắm giữ công nghệ mạng mới. Nếu như Huawei khá lép vế với các nhà mạng ở châu Âu và châu Mỹ về 3G, 4G do luôn đi sau thì với 5G lại hoàn toàn khác hẳn. Hãng Huawei đã đầu tư nghiên cứu 5G từ rất sớm hoặc có thể nói là đầu tiên trên thế giới. Và giờ đây Huawei đã đi trước tất cả về 5G, vượt trội hơn các nhà mạng viễn thông khác.

Với tốc độ nhanh hơn 5G tầm vài trăm, thậm chí là vài nghìn lần, 6G là nền tảng kết nối của nhiều công nghệ của tương lai như trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn, xe tự hành, công nghệ thực tế ảo … Do đó, việc đi sớm trong 6G cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam có thể sớm tiếp cận với những công nghệ đầy tiện ích, có tính ứng dụng cao trong nghiên cứu cũng như đời sống.

"Nhìn từ quá trình phát triển của 4G và 5G có thể thấy doanh nghiệp Việt đang có thế mạnh trong việc nghiên cứu, sản xuất các thiết bị đầu cuối, tối ưu điều khiển hệ thống mạng, xử lý dữ liệu hệ thống và bảo mật. Đây cũng là những ưu thế mà doanh nghiệp cần tận dụng để phát triển 6G nhằm mang lại lợi ích lớn nhất" - ông Nguyễn Thành Đoàn chia sẻ.

Đọc tiếp