Việt Nam sẵn sàng ứng phó với sự biến chủng của virus SARS-CoV-2

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 23/12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh/TP trực thuộc T.Ư tại hơn 700 điểm cầu, hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống dịch bệnh 27/12.

Trước thông tin về biến chủng của virus SARS-CoV-2 tại Anh đang làm giới khoa học quan ngại, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, hiện Bộ Y tế đang theo dõi chặt chẽ vấn đề này, Việt Nam phải hết sức bình tĩnh ứng phó với chủng virus mới.
Quan ngại biến chủng của virus SARS-CoV-2
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, tại Việt Nam đến nay về cơ bản đã kiểm soát được thành công dịch Covid-19. Tuy nhiên, những vấn đề liên quan đến sự biến chủng làm người dân lo ngại. Đặc biệt, thời gian qua, dư luận thế giới quan ngại về biến chủng của virus SARS-CoV-2, nhiều nước phong tỏa với nước Anh. Theo ước tính và nhận định của các chuyên gia, biến chủng này có khả năng tăng tốc độ lây truyền lên tới 70%.
Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh/TP trực thuộc Trung ương tại hơn 700 điểm cầu tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Trong thời điểm hiện nay, các nhà khoa học theo dõi chặt chẽ, cho thấy hiện chưa có tác động với việc có khả năng ảnh hưởng đến vaccine hay không, đồng thời sự biến chủng này không làm tăng thêm tình trạng nặng của bệnh tật, mà chỉ tăng khả năng lây truyền.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, hiện nay ngành y tế Việt Nam đã giải trình tự gen trên toàn bộ mẫu và tới đây, Bộ chỉ đạo các viện T.Ư tăng cường giải trình tự gen của các mẫu bệnh phẩm, đặc biệt khu vực châu Âu và các nước có biến chủng này để xem khả năng lây truyền thế nào, xâm nhập vào Việt Nam ra sao. Hiện chưa phát hiện chủng virus nào ở Việt Nam có vùng đột biến này. Tuy nhiên không phải vì lý do đó mà Việt Nam lơ là trong phòng chống dịch. Bộ trưởng đề nghị các đơn vị quyết liệt hơn trong phòng chống dịch.
“Bộ Y tế quyết định đẩy mạnh và đưa hoạt động phòng chống Covid-19 thành đợt cao điểm từ nay đến cuối năm, đảm bảo người dân được hưởng Tết Nguyên đán an lành”- GS.TS Nguyễn Thanh Long nêu rõ.
Liên quan đến vaccine, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và sự quan tâm tạo điều kiện của tất cả các đơn vị liên quan, Việt Nam đã nỗ lực nghiên cứu thử nghiệm và sản xuất vaccine. Đến nay, chính thức cho thử nghiệm vaccine của Công ty Nanogen (ngày 17/12), các tình nguyện viên tiêm thử nghiệm vaccine  ở giai đoạn 1 an toàn. Tuy nhiên ngành y tế tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe những tình nguyện viên này.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là song song tìm kiếm nguồn vaccine của các công ty, nhà sản xuất ở nước ngoài thì phải tập trung cho vấn đề nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước. Tuy nhiên, theo các bằng chứng khoa học, đến nay chưa có vaccine nào chứng minh có hiệu quả bảo vệ lâu dài. Vì thế việc chủ động nguồn vaccine cho người dân là hết sức quan trọng. “Bộ Y tế đang đàm phán với các công ty để có vaccine sớm nhất cho Việt Nam. Nhưng chúng ta không trông chờ vào vaccine, kể cả trong bối cảnh có vaccine vẫn phải triển khai quyết liệt phòng chống dịch, đặc biệt hiện nay càng phải triển khai quyết liệt hơn“ - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Phòng chống dịch Covid-19 ở mức cao nhất
Nhấn mạnh 4 nội dung về công tác phòng chống dịch, Bộ trưởng lưu ý, từ nay đến cuối năm, các địa phương phải quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, kể cả nhập cảnh hợp pháp và trái phép.
"Hàng ngày có khoảng 100 - 150 trường hợp nhập cảnh trái phép ở biên giới. Điều này rất quan ngại. Do đó, Bộ Y tế đề nghị Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 các tỉnh, đặc biệt tỉnh có vùng biên hết sức quan tâm. Nếu ca bệnh xâm nhập mang theo virus sẽ rất nguy hiểm”- Bộ trưởng nói.
Đặc biệt, lãnh đạo Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường quản lý cách ly người nhập cảnh hợp pháp, đẩy mạnh giám sát, xét nghiệm các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ.
“Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị phải chuẩn bị cho tình huống xấu trong công tác phòng chống dịch. Bởi chúng ta không biết Covid-19 sẽ bất ngờ xuất hiện ở đâu, các địa phương phải lên kế hoạch, sẵn sàng lấy mẫu diện rộng, bảo đảm cơ sở điều trị trong trường hợp có Covid-19, phải khoanh vùng, tiếp tục khuyến cáo người dân thực hiện 5K. Với các cơ sở y tế phải đặt nhiệm vụ từ nay tới cuối năm cần đưa công tác phòng, chống dịch lên một mức cao nhất”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê đề nghị giám đốc sở y tế, bệnh viện (BV) “như một người cảnh sát” tiếp tục thực hiện quyết liệt các công điện của Thủ tướng, Ban Chỉ đạo quốc gia, lãnh đạo Bộ Y tế trong phòng, chống dịch. Trước tiên, các đơn vị tiếp tục đảm bảo tiêu chí BV, phòng khám an toàn, thực hiện nghiêm việc sàng lọc, cách ly, xét nghiệm sớm, đồng thời tổ chức chăm sóc người bệnh toàn diện, hạn chế người nhà vào thăm, thực hiện dãn cách 5K trong cơ sở khám chữa bệnh.
Hiện nay, việc cho các hãng bay tự vận chuyển và đảm bảo công tác phòng chống dịch đối với tổ bay có một số bất cập. Đặc biệt, với các hãng bay nước ngoài, việc kiểm soát khó khăn do mỗi hãng chỉ có văn phòng đại diện (tại Hà Nội, hãng bay Thổ Nhĩ Kỳ vận chuyển về khi có ca dương tính thì có tới 7 phi công và 2 người là F1). Do đó, Hà Nội đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo có sự tổng hợp, nghiên cứu về mặt dịch tễ, virus học đối với những trường hợp tái dương tính để Việt Nam có sự đánh giá và biện pháp xử lý phù hợp với các ca bệnh này.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần