Việt Nam sẽ xuất khẩu 10 sản phẩm nông sản mới sang Trung Quốc

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc đang mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc.

Dưa hấu là trái cây đã được xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Diệu Thùy 
Theo Bộ NN&PTNT, thời gian qua, toàn ngành đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tháo gỡ các rào cản thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; nhất là việc tập trung tháo gỡ khó khăn với thị trường Trung Quốc.
Tính đến hết tháng 8/2019, giá trị xuất khẩu nông sản từ Việt Nam sang Trung Quốc đạt 5,31 tỷ; nhập khẩu nông sản từ Trung Quốc vào Việt Nam là 1,53 tỷ. Thặng dư thương mại xuất nhập khẩu nông sản đạt 3,78 tỷ USD.
Trước tác động từ xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc tới ngành nông nghiệp, thời gian tới, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tập trung thực hiện các giải pháp.
Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn chia sẻ thông tin, hỗ trợ xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc; định kỳ 3 tháng/1 lần tổ chức họp trao đổi, phối hợp với UBND các tỉnh biên giới để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để xử lý hoặc phản ánh đến các cơ quan hữu quan phía Trung Quốc kịp thời tháo gỡ.
Các bộ ngành sẽ tiếp tục đàm phán, mở cửa thị trường, tháo gỡ rào cản cho sản phẩm nông, thủy sản như: Xuất khẩu lô sữa đầu tiên sang Trung Quốc vào tháng 10/2019, đặc biệt là đẩy nhanh tiến trình đánh giá rủi ro để xuất sớm xuất khẩu 10 sản phẩm mới sang Trung Quốc gồm: Tổ yến, sầu riêng, chanh leo, khoai lang, bơ, thạch đen, bưởi, dừa, na và gạo.
Đại diện Bộ NN&PTNT cũng cho biết, đơn vị sẽ thiết lập cơ chế trao đổi thông tin, phối hợp xử lý vướng mắc về hoạt động xuất nhập khẩu nông thủy sản giữa Bộ NN&PTNT, Tổng cục Hải quan Trung Quốc và lãnh đạo các tỉnh biên giới cả hai phía Việt Nam - Trung Quốc. Trong đó, tập trung vào các vấn đề là việc áp dụng bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, chứng thư xuất khẩu và vấn đề kiểm dịch động thực vật.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần