Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), việc làm xanh là những công việc chính đáng góp phần bảo vệ hoặc tái tạo môi trường. Đó là những công việc thuộc các ngành truyền thống như sản xuất và xây dựng, hoặc mới nổi như năng lượng tái tạo và năng lượng hiệu quả.
Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổng cục Thống kê, Việt Nam hiện có 39 ngành nghề có việc làm xanh. Tuy nhiên, khi "Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia" được triển khai với mục tiêu đạt tỉ lệ năng lượng tái tạo 15 - 20% vào năm 2030 và 20 - 30% vào năm 2045, khi đó, thị trường lao động sẽ có thêm nhiều việc làm xanh mới.
Trong bối cảnh sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế xanh, các xu hướng về việc làm xanh ngày càng trở nên rõ ràng và thu hút sự quan tâm lớn từ cả Chính phủ, doanh nghiệp và người lao động. Việc làm xanh không chỉ đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển bền vững mà còn tạo ra những cơ hội nghề nghiệp mới cho người lao động. Tuy nhiên, cùng với cơ hội là không ít thách thức mà các quốc gia cần phải vượt qua.
Nền kinh tế xanh là một mô hình phát triển trong đó, việc sản xuất và tiêu thụ tài nguyên được thực hiện một cách bền vững, bảo vệ môi trường, giảm thiểu khí thải carbon và tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng. Mục tiêu là đạt được sự cân bằng giữa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng cuộc sống của con người. Do đó, việc làm xanh liên quan các ngành nghề góp phần giảm thiểu tác động xấu đến môi trường và thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Theo ông Gonzalo Serrano De La Rosa, Phó Trưởng Ban hợp tác, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, ngay từ khi được thiết lập vào năm 1977, quan hệ đối tác Liên minh châu Âu (EU) - ASEAN đã nhấn mạnh chuyển đổi xanh là một trọng tâm trong hợp tác. Việt Nam cũng đã cam kết mạnh mẽ trong hành trình chuyển đổi xanh với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này đặt ra những thách thức đáng kể, đặc biệt là về đào tạo việc làm, phát triển kỹ năng và thu hút nguồn nhân lực lao động trẻ dồi dào. Do đó, phát triển lực lượng lao động xanh là trụ cột quan trọng trong xây dựng nền kinh tế xanh, giảm phát thải, hướng tới hiện thực hóa Chiến lược phát triển xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 của Việt Nam.
Bà Nguyễn Ngọc Duyên, Điều phối viên quốc gia Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho biết, theo ước tính của ILO, quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững trên toàn cầu có thể tạo ra khoảng 25 triệu việc làm vào năm 2030. Trong đó, Châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Việt Nam là khu vực có tiềm năng gia tăng mạnh mẽ với khoảng 14,2 triệu việc làm xanh nếu các quốc gia đầu tư vào môi trường.
Một trong những xu hướng đáng chú ý là sự gia tăng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Với mục tiêu giảm phát thải carbon và chuyển đổi sang nguồn năng lượng sạch, nhiều quốc gia đã đầu tư mạnh vào các dự án năng lượng mặt trời, gió. Điều này tạo ra hàng triệu việc làm mới trong các lĩnh vực thiết kế, xây dựng và vận hành các nhà máy năng lượng tái tạo. Ngoài ra, việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn cũng tạo ra nhu cầu lớn đối với các chuyên gia trong lĩnh vực tái chế, xử lý chất thải và phát triển sản phẩm bền vững.
Trước những thách thức và hạn chế về nguồn nhân lực xanh, cũng là xu hướng phát triển của thế giới, cho nên những năm gần đây, các trường đại học tại Việt Nam đã thay đổi nhiều ngành học để thích nghi, đào tạo nguồn nhân lực hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ sở giáo dục, cần sự đồng hành của các doanh nghiệp để trang bị kỹ năng xanh cho người lao động.
Dưới góc nhìn của mình, bà Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc Nhân sự toàn quốc ManpowerGroup Việt Nam cho rằng, hiện nay nhu cầu việc làm xanh ngày càng lớn. Từ đó, kéo theo sự xuất hiện của rất nhiều vị trí mới liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng. Nguồn nhân lực cần được đào tạo các kỹ năng xanh, bao gồm kiến thức, năng lực, giá trị và thái độ cần thiết để sống, phát triển, hỗ trợ một xã hội bền vững và sử dụng hiệu quả tài nguyên.
Việc làm xanh mang đến nhiều cơ hội nghề nghiệp mới, không chỉ trong các ngành nghề truyền thống mà còn ở các lĩnh vực mới nổi. Đây không chỉ là xu hướng mà còn là một phần quan trọng trong việc xây dựng nền kinh tế toàn cầu bền vững. Với sự đầu tư đúng đắn và hợp tác giữa doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, cộng đồng, sẽ mở ra những cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn.
Như vậy, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, bền vững gắn với tăng trưởng xanh trên toàn cầu, đòi hỏi mỗi quốc gia cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới công tác quản lý lao động, trong đó có kỹ năng quản trị nguồn nhân lực xanh. Kỹ năng xanh trở thành “chìa khóa” giúp bạn trẻ dễ dàng tìm việc hơn trong kỷ nguyên số.