“Việt Nam trên ngọn sóng thời cuộc" tập hợp 66 bài thời luận dưới nhiều dạng thức truyền thông của vị Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, còn mang nặng nghiệp làm báo.
Các bài trong số này đã được đăng tải ở các báo và tạp chí lớn ở nước ta, nhiều nhất là trên báo Quân đội nhân dân, nơi tác giả công tác 28 năm và thành danh ở thể loại bình luận quốc tế. 66 tác phẩm chọn lọc từ năm 1989 đến tháng 8 năm 2012 thể hiện rõ nét bản lĩnh, trí tuệ cũng như trách nhiệm của người cầm bút ở những thời điểm đầy biến cố và dự cảm thời cuộc.
Và khi đứng chung trong một cuốn sách, các tác phẩm đã được "dàn cảnh" trong 4 phần: Sự thật và lăng kính; Cần đôi mắt mới; "Vượt cạn" thời bình và Theo hướng Rồng bay. Ở đó, phần 1 bày tỏ rõ ràng quan điểm đối với cách nhìn nhận của Mỹ và một số nước phương Tây khác về vấn đề dân chủ, nhân quyền và tôn giáo ở Việt Nam. Phần 2 trọn vẹn dành để nói về mối bang giao đầy thăng trầm giữa Việt Nam và Mỹ trong một phần tư thế kỷ qua: Căng thẳng, phức tạp lúc còn cấm vận; trải qua nhiều gập ghềnh trắc trở, vận hành tới "điểm nút" tất yếu của xu thế phát triển là bình thường hóa, hợp tác theo hướng phù hợp với mối quan hệ của hai quốc gia. Phần 3 như vẽ một bức tranh Việt Nam vượt khó, thoát hiểm qua những bão lốc thế sự bằng bản lĩnh, trí tuệ, khởi sắc thời đổi mới. Còn phần 4, có lẽ là ấn tượng nhất, bởi tình cảm sâu lắng dành cho trái tim của cả nước - Hà Nội.
Quả thật, thể tài chính luận, nhưng chữ nghĩa không hề lên gân, khô khan. Ngược lại, cuốn sách thực sự có sức lôi cuốn với khí văn đanh sắc mà uyển chuyển. Nhiều bài gợi mở, thu hút từ cách đặt tít, chiều sâu trong lập luận, táo bạo và đáng tin cậy trong dự báo. Viết về quốc tế luôn có mối liên hệ trực tiếp với Việt Nam, viết về Việt Nam luôn đặt trong dòng chảy thế giới.
Đúng như nhà báo lão thành Phan Quang nhận xét: "Nhà báo khác nhà sử học ở chỗ, khi sự kiện vừa xảy ra, nhà bình luận thời sự tiếp cận luôn, lật qua lật lại, mổ xẻ, xem xét nó để kịp thông tin, chia sẻ kiến giải; trong khi nhà sử học đề cập sự kiện khi nó đã tấu xong khúc vĩ thanh, nghĩa là lùi về dĩ vãng". Cuốn "Việt Nam trên ngọn sóng thời cuộc" cho người ta thấy rất rõ cái sự khác biệt giữa nhà báo và nhà sử học này.